![]() |
DJ Mỹ Quyên. |
Hành động vui nhộn đó phần nào thể hiện sự thiện cảm và thán phục của mọi người dành cho một DJ nữ đến từ VN dự bán kết cuộc thi Tìm kiếm DJ châu Á tại thủ đô Kuala Lumpur...
Đây là lần đầu tiên một cuộc tranh tài quy tụ đông đảo DJ của châu Á tham gia. Tất cả là những DJ đều đã chiếm vị trí quán quân ở quốc gia mình (như Mỹ Quyên và Hoàng Anh - hai đại diện VN đều từng vô địch cuộc thi Tìm kiếm tài năng DJ VN năm 2003 và 2004).
Sự xuất hiện của Mỹ Quyên và Hoàng Anh tạo sự chú ý nơi bạn bè quốc tế. Những ngày ngắn ngủi gặp nhau ở Malaysia, các “đối thủ” tranh tài hết mình trên bàn máy DJ, nhưng sau cánh gà là những cuộc trò chuyện cởi mở liên tục để tìm hiểu lẫn nhau, trao đổi về nghề giữa Mỹ Quyên với các đồng nghiệp.
Một sự kiện đáng nhớ là chương trình MTV Urban Beats của MTV Asia đã phỏng vấn ghi hình Mỹ Quyên trong 30 phút. Các câu trả lời về lý do trở thành một nữ DJ, sự phấn đấu để thành công, những tấm gương đàn anh (từ Phát DJ - người thày đầu tiên, đến hai tên tuổi thượng nặng trong làng DJ quốc tế Tiesto và P. Rauhofer) của Mỹ Quyên không chỉ mang ý nghĩa cho riêng bản thân cô mà còn góp phần minh họa sống động cho sự phát triển đa dạng các dòng nhạc tại VN, sự say mê âm nhạc của giới trẻ hiện tại.
Có thể thấy trong kỳ “quần anh hội” lần đầu tiên của các DJ châu Á, bản chất phong phú và năng động của giới DJ được thể hiện rất rõ. Là người đã giành vé vào trận chung kết sau đêm thi bán kết đầu tiên, bộ đôi DJ Thái Lan Kolor và Oatawa bỏ tiền túi mua vé bay sang Kuala Lumpur chỉ để xem các đồng nghiệp khác thi tài.
Thật bất ngờ khi hai chàng trai này chỉ mới 23 và 25 tuổi đã vào nghề DJ bảy năm và đang là thày hướng dẫn nhiều bạn trẻ muốn học nghề DJ tại một trường nhạc ở Bangkok. Kolor nói: “Ở Thái Lan, giới trẻ thích nghề DJ lắm. Vì DJ tiếp xúc với nhạc rất nhiều nên thỏa mãn sự say mê âm nhạc của họ. Một DJ khá ở Thái có thể kiếm được 40.000 baht/tháng (khoảng 1.000 USD)”.
Mặc dù chơi DJ chuyên nghiệp vào mỗi buổi tối tại các CLB, vũ trường địa phương nhưng các DJ châu Á vẫn tận dụng thời gian ban ngày để làm thêm một công việc gì đó. Điều này cũng dễ hiểu bởi muốn theo đuổi nghề DJ, các nghệ sĩ phải đầu tư khá nhiều. DJ Yin cho biết, tiền mua băng đĩa nhạc mới, tài liệu mới bồi dưỡng kiến thức nghề của anh chiếm đến 50% thu nhập. Năm nay 24 tuổi nhưng đã chơi nhạc từ năm 14 tuổi, Yin cho rằng những ai muốn theo nghề DJ phải có sự say mê âm nhạc rất lớn để vượt qua những khó khăn và thử thách trong nghề.
“Cho đến giờ, ngoài những bạn bè theo kiểu tay bắt mặt mừng vui vẻ ở các buổi party, tôi cũng chưa có thời gian để kiếm cho mình một người bạn gái đích thực. Nghề DJ đòi hỏi bạn phải theo đuổi mục tiêu đến cùng. Như việc luyện trơn tru một kỹ thuật khó, tìm cho bằng được một ca khúc phù hợp bối cảnh...”, Yin tâm sự.
Anh nói thêm: “Nghề DJ chắc chắn không phải là một nghề hái ra tiền. Ở Hong Kong, một DJ đoạt giải cao nhất như tôi có thể kiếm được khoảng 12.000 đôla HK mà thôi. Ban ngày tôi phải đi làm thêm ở công ty quảng cáo, PR. Tuy nhiên tôi thừa nhận là việc nổi tiếng ở lĩnh vực nghệ thuật đã tác động rất tốt cho việc làm thường ngày của tôi”.
Kervin - DJ từ Singapore - cũng có công việc chính làm cho Singapore Airlines; Blink - người thắng giải Tìm kiếm tài năng DJ ở Malaysia 2004 là một nhà thiết kế đồ họa mặc dù anh đã theo đuổi nghề DJ bốn năm.
Các DJ châu Á tỏ ra theo kịp đà tiến triển của DJ quốc tế, thể hiện qua thể loại nhạc họ trình diễn. Mỹ Quyên, Yin, Eddie Chan đều có sở trường ở thể loại tribal house với những âm thanh bộ gõ dồn dập, tạo phấn khích cuồng nhiệt. Nét riêng là ở chỗ cách sử dụng nhạc hợp lý theo thời điểm mà mỗi DJ tự quan sát nơi đám đông cũng như tài nghệ chuyển nhạc của từng người. “Mỗi lần chơi, tôi đều cố gắng tìm cho mình những kinh nghiệm mới mẻ để không bị tự rập khuôn”, Yin nói. Trong đêm bán kết 9/10 ở Kuala Lumpur, Yin chọn các bản nhạc tribal lẫn jazz house vừa hòa lẫn vừa “chà đĩa” (scratch/spin) rất điệu nghệ để chiếm điểm cao nhất và lọt vào trận chung kết cuối cùng.
Khán giả không khỏi hứng thú trước những kỹ thuật chuyển nhạc, canh nhịp, điều chỉnh âm lượng to nhỏ chính xác với tình hình... mà các DJ đã thực hiện trong phần thi tài. Có mặt tại Kuala Lumpur theo dõi cuộc thi DJ châu Á, Phát DJ - một DJ người Mỹ gốc Việt làm việc tại TP HCM đã nhiều năm nay - nhận xét các thí sinh rất tự tin khi chơi nhạc, giúp họ “giao tiếp” với người nghe sinh động, có sức lôi cuốn đám đông bằng bản nhạc.
Ngoài một cuộc thi tài, Tìm kiếm DJ châu Á còn là một dịp để các DJ bày tỏ những suy nghĩ và ước vọng của họ. Shen Yi ( Trung Quốc) nói: “Tôi hy vọng nghề DJ sẽ chuyên nghiệp hơn nữa”. Airmix (Hàn Quốc) khẳng định: “Tôi chấp nhận khó khăn để đạt kết quả tốt trong nghề”. Kervin (Singapore) chia sẻ: “Một trong những điều thú vị nhất về công việc này là được chia sẻ âm nhạc của bạn với đám đông cuồng nhiệt”. Còn Mỹ Quyên của VN đã nói với khán giả MTV Asia: “DJ giúp tôi yêu âm nhạc và có nhiều cảm xúc. Tôi yêu công việc này vì nhờ nó mà tôi góp phần giúp mọi người thoải mái và vui vẻ với âm nhạc".
(Theo Tuổi Trẻ)