Chuẩn bị cho bộ phim " Mỹ nhân kế", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mời nhà thiết kế Nguyễn Công Trí làm cố vấn tạo hình nhân vật.
Để thực hiện vai trò này, Công Trí lập một nhóm nhà thiết kế trẻ gồm Châu Kha, Tuấn Trần, Hồng Sương, Trường Duy và các bạn sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp đại học Dân lập Văn Lang... Anh theo dõi sát sao và kịp thời đóng góp ý kiến tư vấn, giúp đỡ họ thực hiện 200 bộ phục trang, nhiều mẫu trang sức, phụ kiện...
Vai diễn của Tăng Thanh Hà (váy trắng) có diễn biến tâm lý phức tạp. |
Đạo diễn Dũng "khùng" mong muốn tạo hình nhân vật phải đẹp, giống phim kiếm hiệp nhưng đậm dấu ấn phim cổ trang Việt Nam. Trước yêu cầu này, êkíp làm việc miệt mài để hoàn thành công việc trước ngày bấm máy 10/6. Hầu hết mẫu thiết kế phụ kiện cho nhân vật đều được thực hiện thủ công.
Để phác họa mẫu váy áo cho nhân vật nữ, Châu Kha nghiên cứu kịch bản phim và các tư liệu từ nhiều nguồn như: từ trang phục cổ Việt Nam và các nước trên Internet, tài liệu về đặc trưng trang phục của các dân tộc ở Việt Nam: Mông, Hoa, Tày, Thái... đến tài liệu về lịch sử phong kiến, các di chỉ nền văn minh cổ để hiểu rõ hơn văn hóa mặc của người Việt.
"Tôi chọn chiếc áo yếm của Bắc Bộ làm trang phục chủ đạo vì nó mang dấu ấn văn hóa dân tộc đậm nét, thể hiện rõ tính cách nhân vật và ý đồ phim muốn truyền tải đến người xem", nhà thiết kế này nói.
Trong quá trình làm việc, Châu Kha vấp nhiều vấn đề khó khăn như: cách tạo hình tóc, chỉ dùng hình ảnh chiếc yếm nhưng phải làm sao có sự biến hóa giữa các nhân vật, khắc họa rõ tính cách của họ. Do tính chất của phim hành động, dù các nhân vật nữ mặc váy, yếm nhưng vẫn cần gọn gàng, thoải mái.
Nhà thiết kế Công Trí (thứ năm từ phải qua) cùng nhóm các nhà thiết kế trẻ. |
Còn nhà thiết kế Tuấn Trần cho rằng, khi nói đến phim cổ trang, có lẽ mọi người hình dung ngay đến phim Trung Quốc. Vì thế, khi bắt tay vào thực hiện, anh cùng êkíp phải ngồi lại làm việc cùng nhau để thống nhất từ việc tạo hình đến khi sản phẩm thành hình. "Chúng tôi phải thử rất nhiều cách tạo mẫu khác nhau vì chất liệu hiện có trên thị trường trong nước không phong phú", anh nói.
Phụ trách phần làm giày và trang sức phụ kiện cho diễn viên, nữ thiết kế Trần Hồng Sương cho biết, nhân vật thực sự gây khó khăn cho chị là vai Linh Lan do Tăng Thanh Hà thủ diễn. Đây là cô gái trinh trắng được Tú bà Kiều Thị cứu từ trong rừng, sau đó huấn luyện trở thành kỹ nữ và sát thủ. Bề ngoài của Linh Lan trong sáng nhưng bên trong con người cô ẩn chứa những bí mật nguy hiểm.
"Vai này có diễn biến tâm lý phức tạp. Cô ấy xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng khi tham gia vào nhóm sát thủ thì lại là nữ tỳ. Vì thế, trang phục phải không được cầu kỳ. Dù vậy, từ chiếc trâm cài, đến chiếc hài phải được làm sao cho nổi bật được nét duyên và thân thế của cô ấy", nhà thiết kế nói.
Còn Kiều Thị do siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai lại khiến Hồng Sương thấy có nhiều cảm hứng. "Cô ta là một phụ nữ xinh đẹp, lạnh lùng có cá tính mạnh mẽ. Khi thực hiện trang sức và phụ kiện cho cô ấy, tôi có rất nhiều ý tưởng để làm việc và phát huy thế mạnh của mình", chị nói.
Nhóm thiết kế trẻ dành nhiều thời gian để xem lại từ phim cổ trang Việt: Khát vọng Thăng Long, Huyền sử Thiên Đô, Đêm hội Long Trì, Long Thành cầm giả ca, Lửa cháy thành Đại La... đến phim ngoại như: Khuynh thế hoàng phi, Cung tâm kế, Võ Tắc Thiên, Bộ bộ kinh vân, Thâm cung nội chiến, Đại chiến Xích Bích... Những tác phẩm sân khấu cổ trang trong nước như: Ngàn năm tình sử, Chiếc áo thiên nga, Kim Vân Kiều, Nỏ thần... cũng được mọi người dành thời gian xem lại để tìm cảm hứng.
Êkíp còn tổ chức đi tham quan Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật... để tìm hiểu, nghiên cứu về trang sức cổ của các dân tộc Việt Nam.
Tạo hình nhân vật Kiều Thị với đầy đủ phụ kiện, trang sức đi kèm. |
Mỗi dân tộc ở Việt Nam có cách chế tác đồ trang sức với hình dạng, các đường nét, họa tiết dân gian sinh động đặc trưng riêng. Chính vì thế, Trần Hồng Sương và đồng nghiệp của chị đã lọc ra một số trang sức tiêu biểu để áp dụng vào phim. Bộ vòng tay và vòng cổ lấy cảm hứng từ kiểu dáng của của dân tộc H'mông trắng (ở Nghệ An), kiềng cổ có khe hở rộng kết nối bằng hàng chục sợi xích dài gắn vài quả chuông nhỏ của người Nùng, Tày (Lào Cai), dân tộc Gié Triêng (Kon Tum), dân tộc H'Mông đen (Sơn La)...
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cho biết, đến lúc này, gần như 90% công việc đã hoàn thành. Đồng hành cùng đàn em trong suốt quá trình, Công Trí thấy hài lòng với những gì họ thực hiện. "Đối với điện ảnh Việt Nam, phim cổ trang chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu nên không tránh được những thiếu sót ở khâu này, khâu kia. Chúng tôi đã cố gắng hoàn thành công việc này trong khả năng cho phép về kinh phí và ý tưởng. Mong mọi người đón nhận và góp ý chân thành để chúng tôi có thể hoàn thiện ở những lần sau", anh nói.
* Ảnh: Phác thảo tạo hình nhân vật và phụ kiện của 'Mỹ nhân kế' |
Thoại Hà