Nhìn các học viên năm 2 rục rịch chuẩn bị cho đợt trực Tết Ất Mùi (2015), nữ sinh năm 3 Học viện Cảnh sát nhân dân Hoàng Thị Huyền Trang (lớp B3, D38) lại nhớ những ngày đón Tết ở trường năm ngoái. Thuộc diện được về sum họp với gia đình nhưng Trang đã tình nguyện ở lại để trải nghiệm trực Tết trong đời sinh viên. Từ 23 tháng chạp đến mùng 2 Tết Nguyên đán, 100 học viên năm thứ 2 ở lại trường (đợt 2 có 100 người trực từ mùng 2 đến 10 tháng giêng).
"Đó là lần đầu tiên em được gói bánh chưng. Thầy giáo và các bạn đã hướng dẫn, sau đó mọi người cùng gói và chấm giải gói nhanh, đẹp rất vui vẻ. Bữa tất niên ở trường cũng như ở nhà, có gà, cá nướng..., mỗi học viên, giáo viên được một lon bia và tất cả cùng zô vang chia tay năm cũ", Trang kể.
Cả đội trực Tết 100 người chỉ có 10 nữ nên Trang và các bạn gái khác được ưu ái không phải đứng chốt trực mà chỉ đến trạm chốt kiểm tra, lấy chữ ký. Ngày thường, có người Trang gặp chỉ đi lướt qua nhau, nhưng giờ ở cùng nhóm trực Tết, mọi người trở nên thân thiết. Nữ sinh Học viện Cảnh sát nhân dân vẫn nhớ bữa liên hoan giao thừa, cả lớp ngồi dài ngoài hành lang phòng học, ai đi qua dù lạ, dù quen cũng gọi vào nâng chén chúc mừng vui vẻ. Trước đó, 100 học viên đã được thầy cô trong ban giám đốc nhà trường lì xì, chúc rượu vang.
"Được Giám đốc Học viện bắt tay, lì xì, chúc rượu, chúng em ai cũng phấn khởi. Trực Tết ở trường, em có nhiều kỷ niệm vui, thêm gắn kết với thầy cô bè bạn. Nỗi buồn chỉ đến vào giây phút giao thừa, khi gọi điện về nghe tiếng bố mẹ hỏi thăm. Nhưng sau đó thầy và các bạn cùng trực đã quây lại cùng chúc Tết nên nỗi nhớ nhà tan biến", Trang nói.
Chứng kiến các bạn mỗi người đứng một góc gọi điện về cho người thân rồi nước mắt rưng rưng, Phạm Trọng Quyết (lớp B6, D38) không khỏi xúc động. Chàng Phó bí thư liên chi này trước đó đã chuẩn bị chu đáo lửa trại để đội trực đón giao thừa, nhưng không ngờ mọi người tản mác đi gọi điện hết. Ngồi lặng quan sát từng biểu cảm của bạn, Quyết thấy trân quý hơn nghề cảnh sát. "Học viên chúng em chỉ có một lần trực Tết, lại được tổ chức liên hoan với nhau, chứ rất nhiều chiến sĩ đã không được về sum họp với gia đình dịp Tết vì thực hiện nhiệm vụ. Nghề này phải chấp nhận sự hy sinh", Quyết tâm sự.
Nguyễn Hoàng Thao (B2, D38) từng có 2 năm trực giao thừa khi đi nghĩa vụ tại Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội). Chàng học viên 25 tuổi vẫn nhớ mãi cái lạnh buốt da và nỗi buồn tủi khi một mình đứng chốt trong đêm mưa giao thừa, nhìn dòng người ngược xuôi hớn hở xem pháo hoa.
Là Bí thư liên chi của D38 Học viện Cảnh sát nhân dân, Tết Nguyên đán Quý Ngọ năm ngoái, Thao phải ở lại chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, thi đấu thể thao, làm bánh chưng, liên hoan... cho 200 đồng đội. Dáng người gầy gò, chàng Bí thư liên chi cười hiền bảo không biết đã lấy đâu ra sức lực để liên tục đi lại mua đồ, một mình trang trí quất đào, đèn nháy...
Bố mất sớm, thương mẹ già một mình chuẩn bị Tết, nên mỗi ngày sau khi kết thúc công việc ở trường, khoảng 22h Thao lại phóng xe 30 km về nhà. "Đêm 30, sau khi tổ chức cho các học viên cùng khóa đón giao thừa, em trở về với gia đình. Chạy xe trên đường vắng, nghĩ đến mẹ đang một mình đón Tết, em đã nghẹn ngào. 1h30 em có mặt ở nhà, mẹ vẫn thức, đợi em về ôm cậu con trai chúc mừng năm mới rồi cả hai đi lễ chùa", Thao chia sẻ.
Trần Tuấn Ngọc (lớp B10, D38) được phân công trực đúng ca giao thừa (00h-3h) Tết Quý Ngọ. Đứng chốt trước nhà hiệu bộ của Học viện Cảnh sát nhân dân, thấy các gia đình giáo viên đến tượng đài Hồ Chí Minh trong trường đi lễ, Ngọc lại nhớ gia đình. "Khoảnh khắc nôn nao, nhớ nhà nhất là lúc thấy pháo hoa được bắn lên. Gọi điện về cho bố mẹ mà đứa nào cũng nước mắt rưng rưng. Đó là lần đầu tiên em không đón Tết với gia đình", Ngọc tâm sự.
Ngoài 200 học viên năm thứ hai tham gia trực Tết còn có một số giảng viên tình nguyện ở lại để động viên, giúp đỡ các học trò như thầy Nguyễn Xuân Sáng, Nguyễn Quốc Bảo. Không nghiêm khắc như ngày thường, những buổi trực Tết, các giáo viên vui vẻ tham gia hoạt động cùng học viên.
"Đêm Giao thừa, thầy giáo chắc cũng có tâm trạng riêng vì lúc chuyển giao năm mới, em không thấy hai thầy đâu cả. Hôm đó, các thầy là người mệt nhất vì buổi tối đã đi khắp các lớp để chúc Tết. Sau khi chúng em liên hoan, thầy còn đi kiểm tra xem học trò đã về hết phòng để đảm bảo quân số. Từ đợt trực ấy, ngoài giờ học, chúng em gọi thầy bằng anh", Phạm Trọng Quyết chia sẻ.
Xa người thân, không được cùng bạn gái đi xem pháo hoa như mọi năm, nhưng nam sinh 19 tuổi này cho rằng, nếu trực thêm một năm nữa, cậu cũng sẽ làm. Bởi những ngày đón Tết xa nhà ấy, Ngọc thấy mình trưởng thành, có trách nhiệm và hiểu hơn về công việc của người cảnh sát là chuyên chăm lo cho hạnh phúc của mọi người. Cũng nhờ thời gian trực Tết này, tình cảm giữa Ngọc và bè bạn trong lớp, trong trường và thầy cô thêm gắn kết.
Quỳnh Trang