Suốt thời thơ ấu có hai khoảng thời gian tôi đặc biệt ghét trong năm đó là hè và Tết. Những đứa trẻ khác thì thích hai khoảng thời gian đó lắm vì sẽ được nghỉ học, được đi chơi nhưng tôi thì không. Tôi là con một mà lại là con "độc nhất, vô nhị", nên ngay từ nhỏ tôi đã hay phải tha thẩn chơi một mình. Hồi bé xíu không hiểu gì thì không sao, khi đã bắt đầu hiểu biết tôi thèm có anh, chị, em để chơi cùng lắm.
Bố mẹ bận đi làm suốt không có thời gian chơi với tôi, anh chị em họ hàng cùng thành phố, nhưng cách xa nhau hàng chục cây số, nên chẳng đến nhà nhau chơi được mấy. Thật may hàng xóm có một cậu bạn bằng tuổi tên Hùng, nên hai đứa thường sang nhà nhau chơi, nhưng cứ hè và Tết là cậu bạn đó lại về quê, còn lại tôi mỗi một mình, thử hỏi làm sao tôi yêu thích hè và Tết cho được.
Năm tôi học lớp 3, bố mẹ tôi đi công tác nước ngoài đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Bố mẹ gửi tôi sang nhà bố mẹ Hùng nhờ chăm nom hộ. Tôi sung sướng vô cùng vì được về quê ăn Tết cùng gia đình Hùng. Về dưới quê còn có em con cô của Hùng cũng bằng tuổi tụi tôi tên là Hoa, ba chúng tôi quấn quýt bên nhau. Hoa và Hùng dẫn tôi đi chơi khắp làng trên xóm dưới, không khí Tết ở quê cũng nhộn nhịp, đông vui như trên thành phố. Người lớn thì hối hả chuẩn bị gói bánh, sửa sang, trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, bọn trẻ con thì hớn hở, tíu tít, lăng xăng chạy đi chạy lại, nhiều đứa được mẹ sắm cho quần áo mới cứ xúng xa xúng xính, ngắm ngắm vuốt vuốt mãi không thôi.
Lần đầu tiên được về quê tôi biết nhiều trò chơi mà ở thành phố chưa được thấy bao giờ. Có một trò tôi đặc biệt thích thú và ấn tượng, đó là trò chơi pháo đất. Được tận tay sờ vào đất sét, nhào nhào nặn nặn rồi đập mạnh xuống đất sao cho tiếng kêu thật đanh. Tôi còn được xem người lớn nặn pháo, thi pháo mừng xuân, pháo của người lớn làm to và nặng lắm, lúc thi phải mấy người khiêng. Lũ trẻ con bọn tôi hào hứng xếp vòng tròn xung quanh cổ vũ, reo hò khản cả cổ, thích thú vô cùng.
Đúng mùng 1 Tết năm đó, tôi, Hùng và Hoa sau khi đi xem thi pháo đất về bắt gặp một chú mèo đen bé xíu xinh xinh, chú ta bị lạc đang lang thang ở ngoài vườn. Ba đứa tôi bèn bế chú mèo vào trong buồng, lấy khăn lau làm chăn ủ ấm cho chú ta, rồi còn đi lấy cơm cho chú ta ăn, nâng niu cưng nựng như một em bé. Ba đứa bảo cùng nhau giữ bí mật, giữ chú mèo làm của riêng. Bị cột vào góc nhà chú mèo sau khi ăn uống no nê lại kêu toáng lên, thế là bí mật của ba đứa tôi bị lộ.
Mặc dù là ngày Tết mà ba đứa tôi vẫn bị mẹ của Hoa mắng cho một trận tơi bời, may quá bà nội của Hùng ra xin hộ. Rồi bà giảng giải cho chúng tôi lý do vì sao bị mắng, bà bảo "mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", nên người ta kiêng những ngày Tết cho mèo lạ vào nhà. Ba đứa tôi có biết gì đâu, buồn thiu, tiếc ngẩn tiếc ngơ đứng nhìn em mèo bị đưa ra khỏi cổng. Thấy tội nghiệp ba đứa ngày Tết mà vẫn bị mắng, mẹ của Hoa bèn dẫn cả ba đứa sang làng bên chơi Tết, xem dân làng chơi trò chơi đánh đu. Cũng lại là lần đầu tiên tôi được xem trò chơi này. Các cô các chú đu thật khỏe và khéo, bay người lên trên cao mà vẫn cười tươi như hoa, có cô chú đu giỏi còn bay qua ngọn đu một vòng, dân tình cổ vũ ầm ầm. Tôi thích thú vô cùng cổ vũ đỏ cả tay.
Thấm thoắt thế mà cái Tết quê đó đã trôi qua gần hai chục năm. Với tôi, đó là một cái Tết quê vô cùng đặc biệt và ấn tượng, lần đầu tiên được đón Tết ở làng quê, được tận mắt chứng kiến và còn được chơi trò chơi dân gian. Và đây cũng là lần đầu tiên được biết phong tục kiêng kỵ của người dân ngày Tết. Chính nhờ Tết quê thời thơ ấu đó tôi và Hoa giờ đã nên vợ, nên chồng. Cám ơn nhé Tết quê yêu dấu!
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Trần Hiếu