Mỗi dịp Trung thu, không chỉ trẻ em háo hức mà người lớn cũng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu. Năm nay 38 tuổi, chị Thu Hà, nhà ở Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội vẫn còn nhớ thời bé, mấy chị em và các bạn hàng xóm lên kế hoạch cho Trung thu ngay từ mùa hè. Ăn xong những trái bưởi, bọn trẻ không quên giữ lại hạt, lấy dây đồng xâu lại, chờ lúc nắng lên đem phơi khô. Trời mưa bất chợt, bao giờ những xâu hạt bưởi cũng được ưu tiên thu trước quần áo. Lúc nào chị cũng lo lỡ dính mưa, hạt bưởi mốc sẽ không thành pháo nổ đêm Trung thu.
Anh Tuấn Phương, 37 tuổi, ở Hải Phòng không quên những ngọn đuốc rước đêm Trung thu và chiếc trống nhỏ bằng cuốn sách nhưng đánh lên tiếng rất vang. Trẻ con cả xóm cứ thế vui vẻ hát ca, rồng rắn kéo nhau đi khắp ngõ trên xóm dưới trong niềm hân hoan, sau đó tụ lại ở nhà bác tổ trưởng xem văn nghệ qua chiếc tivi đen trắng. "Đó là kỷ niệm thật đẹp của tuổi thơ", anh cười nhớ lại.
Chị Hồng Lan, 40 tuổi, hiện sống ở TP HCM hồi tưởng, những năm 1980, đầu 1990, điện vẫn là một thứ xa xỉ với người dân quê chị, khi đó là thị xã Thái Bình. Các khu dân cư bị luân phiên cắt điện, tối không có điện là điều bình thường, trẻ con, người lớn đều ở nhà và ngủ sớm. Riêng Trung thu trăng sáng, được đi chơi nên đứa nào cũng nhớ và thích.
Thường mỗi tổ dân phố đều tổ chức cắm một lều trại cho bọn trẻ trong tổ đón Trung thu chung. Lều trại có thể dựng lên từ những tấm ri đô của các gia đình cho mượn, được trang trí bằng các món đồ chơi Trung thu. Các mâm cỗ hầu như không thể thiếu 5 món là trái bưởi, trái hồng, bánh nướng, bánh dẻo, cốm gạo. Mỗi năm chị chỉ được ăn duy nhất một lần bánh dẻo, bánh nướng vào đúng rằm tháng 8 nên trong suy nghĩ ngày bé, đây chính là thứ bánh ngon nhất.
Sau khoảng 30 năm, những ông bố, bà mẹ này thấy Trung thu của con mình khác xưa rất nhiều. Thay vì cung cấp nguyên liệu cho con tự tạo đèn rước trong đêm Trung thu, giờ chị Hà dẫn con lên phố Hàng Mã để bé chọn đồ chơi, vừa tranh thủ chụp hình đăng mạng xã hội.

Những đồ chơi hiện đại bày xen kẽ đồ chơi truyền thống ở phố Hàng Mã những dịp Trung thu. Ảnh: Lam Linh.
Năm nay, sợ Covid-19, kế hoạch lên phố cổ chuẩn bị cho Trung thu của gia đình chị vẫn chưa thực hiện được, thay vào đó, chị cùng con mua đồ chơi và thực phẩm online. Được mua hàng trực tuyến cùng mẹ, con gái chị Hà rất thích, bé còn cẩn thận đặt thêm một hộp khẩu trang y tế. "Đêm Trung thu mẹ chụp ảnh con đeo khẩu trang rước đèn nhé, chắc chắn con sẽ không quên kỷ niệm này đâu", con gái chị giao hẹn.
Lời nói của con gái khiến chị Hà cảm thấy đồng cảm khi được xem bộ tranh Trung thu xưa và Trung thu thời Covid-19 đang được nhiều bố mẹ chia sẻ trên mạng xã hội.
Bộ ảnh cũng để lại cho anh Phương, chị Lan nhiều cảm xúc lắng đọng. Bởi Trung thu của ba mẹ hồi trước là tự làm lồng đèn, đồ chơi, quây quần xem văn nghệ bên chiếc tivi cũ, tụ lại nghe kể chuyện chị Hằng - chú Cuội. Trung thu năm nay của con là hạn chế chốn đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng dịch, rước đèn với anh chị em trong nhà, muốn mua gì có thể đặt trực tuyến là được giao đến tận nơi...
Là người rất thích chăm chút các mâm cỗ Trung thu, chị Lan dự kiến mâm cỗ thời Covid-19 cũng sẽ đặc biệt hơn. Bên cạnh hàng chục loại bánh kẹo và trái cây với những múi bưởi được bóc và xòe ra đẹp như những con sư tử, quả dưa hấu, dưa vàng được tỉa gọt cầu kỳ như mấy năm trước, chị sẽ bổ sung nhiều thực phẩm tăng đề kháng cho con, trong đó có sữa chua Probi Vinamilk. "Bình thường, bé nhà tôi mê loại sữa này lắm, nếu thấy Probi ở mâm cỗ Trung thu, có lẽ bé sẽ phá món này đầu tiên trong mâm cỗ", chị Lan cho biết.

Sự khác biệt trong việc chuẩn bị Trung thu xưa và nay, qua bộ tranh được nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội.
Xem thêm bộ tranh Trung thu xưa và trung thu thời Covid-19.
Kim Anh