![]() |
Chuột bạch tạng (trái) và chính nó sau khi biến màu. |
Thí nghiệm được thực hiện trên một dòng chuột bạch tạng. Do bị đột biến một gene, những con chuột này thiếu sắc tố trong mắt, da và lông, vì thế chúng có đôi mắt màu hồng và một bộ lông trắng toát.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Virginia, Charlottesville, đã bổ sung hai gene vào bộ mã di truyền của chuột bạch tạng. Một trong số đó là gene sản sinh sắc tố của động vật có vú thông thường. Gene còn lại, trích ra từ một vi khuẩn, là “công tắc điều chỉnh” gene sắc tố bật và tắt, đáp ứng với các kích thích theo chế độ ăn.
Khi thêm một chất dạng đường vào nước uống của chuột, gene sắc tố được kích hoạt sinh ra sắc tố melanin. Những con chuột đã mọc ra bộ lông màu nâu và cặp mắt hồng của chúng chuyển thành màu đen. Nếu bỏ đường ra khỏi nước uống, màu lông bạch tạng của chuột trở lại, nhưng mắt của chúng vẫn là màu đen vì sắc tố không bị mất đi.
Theo nhóm nghiên cứu, thí nghiệm này có thể giúp các nhà khoa học hiểu biết tốt hơn về ung thư và các bệnh khác trên người có liên quan tới gene. Tiến sĩ Heidi Scrable, thành viên của nhóm, cho biết: “Điều đó chứng tỏ rằng chúng tôi có thể bật và tắt các gene trong chuột, động vật chính trong các thí nghiệm, để từ đó kiểm soát bệnh tật trên người”. Bà cho hay chuột sẽ là công cụ quan trọng cho nghiên cứu y học vì một số gene của chuột và người gần như giống hệt nhau.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Gene và Sự phát triển.
B.H. (theo BBC, 20/6)