Thầy Nguyễn Mạnh Hà là giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Thầy Hà chỉ ra một số điểm học sinh cần lưu ý khi sử dụng Atlat để làm bài môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT:
Với vai trò là tài liệu học tập, tra cứu các kiến thức Địa lý, Atlat thường được sử dụng trong các bài kiểm tra và kỳ thi. Đặc biệt, trong đề thi tốt nghiệp THPT, có đến 15 câu hỏi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, tương đương 3,75 điểm.
Để tận dụng tối đa nội dung thông tin trong Atlat, thí sinh nên làm theo 3 bước. Đầu tiên là đọc đúng tên trang Atlat để biết nội dung được thể hiện. Muốn vậy, các em cần nắm được cấu trúc của Atlat để khi nhận đề bài có thể xác định được nội dung câu hỏi nằm ở phần nào.
Tiếp theo là đọc, hiểu hệ thống ký hiệu của trang Atlat. Atlat địa lý thường có rất nhiều ký hiệu, trong khi một số trang lại không có bảng chú thích. Do đó, nếu không nắm được ý nghĩa của các ký hiệu, thí sinh sẽ gặp khó khăn trong việc đọc bản đồ, biểu đồ.
Bước cuối cùng là xác định tên, đặc điểm và mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý. Trong một số câu hỏi, thí sinh cần biết vận dụng và kết hợp nhiều bản đồ, biểu đồ để đưa ra đáp án chính xác nhất. Sĩ tử cần lưu ý xác định đúng vị trí và đọc đúng tên đối tượng địa lý trên bản đồ, cũng như xác định được khoảng cách và phương hướng của các đối tượng đó.
Nội dung kiến thức phần Atlat địa lý Việt Nam rất rộng, bao gồm tất cả nội dung chương trình Địa lý lớp 12, tập trung vào 4 mảng kiến thức lớn là tự nhiên Việt Nam, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Tuy nhiên, các câu hỏi sử dụng Atlat phần lớn chỉ nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Đây là câu hỏi không khó. Dù vậy, các em tuyệt đối không được chủ quan dẫn đến sai.
Những điều cần lưu ý trong quá trình ôn tập
Với hình thức thi trắc nghiệm, kiến thức bài thi môn Địa lý sẽ bao gồm toàn bộ chương trình học nên học sinh cần tránh "học tủ". Các em nên ôn tập bám sát chuẩn kiến thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Bên cạnh đó, ngoài trau dồi kỹ năng địa lý như phân tích bảng số liệu thống kê, biểu đồ..., thí sinh cần rèn luyện thường xuyên kỹ năng sử dụng Atlat địa lý Việt Nam.
Các câu hỏi liên quan đến phân tích bảng số liệu thống kê, biểu đồ, sử dụng Atlat thường không mất quá nhiều thời gian để ôn tập vì thực chất, trong suốt thời gian ôn, đây là những kỹ năng mà các em thường xuyên áp dụng khi làm các dạng bài khác. Do đó, việc làm tốt các câu hỏi kỹ năng còn là cơ sở để thí sinh trau dồi phương pháp làm câu hỏi khác trong đề thi.
Ngoài ra, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các em cần tránh tiếp nhận thông tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng tới kỳ thi. Thay vào đó, các em nên có kế hoạch ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý.
Cụ thể, trong khoảng thời gian trước kỳ thi, các em nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng hay lập sơ đồ tư duy. Khi gần kề ngày thi, các em nên kết hợp giữa việc học và nghỉ ngơi hợp lý để thư giãn, giảm áp lực và giữ cho tâm lý ổn định, thoải mái. Các em cũng cần có chế độ ăn uống đủ chất, tập thể dục nhẹ nhàng để đảm bảo sức khỏe.
Bước vào kỳ thi, thí sinh cần phân bố thời gian làm bài hợp lý. Đầu tiên là đọc kỹ đề bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, không dành quá nhiều thời gian chỉ để giải quyết một câu hỏi.
Một số câu hỏi có nhiều đáp án mang tính chất gây nhiễu, các em cần đặc biệt ghi nhớ phương pháp loại trừ; đồng thời vận dụng các kỹ năng sử dụng Atlat để khai thác tối đa thông tin dành cho bài thi.
Nguyễn Mạnh Hà