Hôm 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu cán mốc 17,01 độ C, cao nhất trong dữ liệu của Trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ, ghi nhận từ năm 1979. Hôm 4/7, nhiệt độ thậm chí tăng cao hơn, lên tới 17,18 độ C. Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C vào tháng 8/2016, theo CNN. Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cũng thông báo nhiệt độ toàn cầu hôm 3/7 là một kỷ lục trong dữ liệu của họ.
Các chuyên gia cảnh báo kỷ lục nhiệt độ có thể bị phá vỡ nhiều lần trong năm nay. Robert Rohde, nhà khoa học đứng đầu tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth, dự đoán thế giới có thể trải qua những ngày nóng hơn trong vòng 6 tuần tới. Kỷ lục toàn cầu mới là một dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang nóng lên nhanh tới mức nào khi hiện tượng tự nhiên El Nino kết hợp với tác động từ biến đổi khí hậu.
"Kỷ lục này sẽ không tồn tại lâu bởi mùa hè ở Bắc bán cầu gần như còn kéo dài và El Nino đang phát triển", Friederike Otto, giảng viên ở Viện biến đổi khí hậu Grantham tại Anh, chia sẻ.
Năm nay cũng chứng kiến nhiều kỷ lục nhiệt độ bị xô đổ trên khắp thế giới với hậu quả nghiêm trọng. Tại Mỹ, Texas bị thiêu đốt trong đợt nắng nóng cuối tháng 6 với nhiệt độ lên tới 48 độ C và độ ẩm cực cao. Nhiệt độ tăng vọt ở Mexico đã khiến ít nhất 112 người tử vong từ tháng 3.
Nắng nóng ở Ấn Độ cũng gây ra cái chết cho ít nhất 44 người ở bang Bihar. Trung Quốc trải qua vài đợt nắng nóng và ghi nhận số ngày nóng bức cao nhất với nhiệt độ tối đa hàng ngày vượt quá 35 độ C trong thời gian 6 tháng. Anh trải qua tháng 6 nóng nhất từ năm 1884, theo cơ quan thời tiết quốc gia Met Office. Nhiệt độ trung bình trong tháng là 15,8 độ C, cao hơn kỷ lục trước đó 0,9 độ C. "Cùng với biến động tự nhiên, khí quyển Trái Đất ấm lên do biến đổi khí hậu thúc đẩy khả năng xuất hiện kỷ lục nhiệt độ cao", Paul Davies, nhà khí tượng học ở Met Office, nói.
Trong tình hình khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, giới khoa học nhận định những đợt nắng nóng phá vỡ kỷ lục sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
An Khang (Theo CNN)