Đại diện chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế cho biết sau 6 tuần diễn ra từ ngày 22/7-31/8 tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm, Giác Ngộ (TP HCM), chương trình gây tiếng vang lớn trong cộng đồng. Hơn 20.000 người tham dự, ủng hộ triển lãm tranh của trẻ yếu thế cùng 5 tọa đàm chủ đề về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ.
"Việt Nam ước mong" đã khép lại, nhưng điệp tích yêu thương vẫn lan tỏa, nâng cao nhận thức, kêu gọi người lớn, xã hội chở che, nâng đỡ trẻ yếu thế. Trước sức hút của chương trình và sự nhiệt thành của khán giả, những người làm chương trình quyết định thực hiện talkshow "Lắng nghe trẻ thơ bằng trái tim thấu hiểu", lúc 14h-16h30 ngày 4/9, tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đăng ký tham gia tại đây |
Khách mời đặc biệt của buổi trò chuyện là Nguyễn Khôi nguyên (21 tuổi) - kỷ lục gia xiếc Việt Nam và châu Á, cùng bố mẹ em - ông Nguyễn Thế Hiệp, bà Mai Kim Phượng. Ban tổ chức kỳ vọng hành trình làm nên điều kỳ diệu của Khôi Nguyên có thể truyền cảm hứng cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ và gia đình của các em.
Khôi Nguyên sinh năm 2001, mắc chứng tự kỷ dạng tăng động giảm chú ý khi chưa đầy một tuổi. Đối mặt lời đàm tiếu, mỉa mai của người đời, thay vì suy sụp, chấp nhận số phận, vợ chồng ông Hiệp đã đồng hành với con trên mọi chặng đường, chứng minh bé không phải là "sản phẩm lỗi".
13 tuổi, Khôi Nguyên - vốn gặp khó khăn trong giao tiếp, không chịu ngồi im, không hiểu biết về thế giới xung quanh - được làm quen với xiếc, học kỹ năng tung bóng, đi trên xe đạp một bánh, đội chai... để giữ thăng bằng, rèn tính kiên trì, sự nhanh nhẹn, khéo léo. Sau thời gian ngắn, Nguyên dần tung được hai bóng, 3-4-6 rồi 9 bóng khi giữ thăng bằng trên ba con lăn, đầu đội chai.
Với khả năng đặc biệt và sự khổ luyện, năm 2017, Khôi Nguyên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 quả bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất". Một năm sau đó, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận Khôi Nguyên là "Cậu bé tự kỷ với khả năng đứng trên 3 con lăn, đầu đội chai, tung 6 bóng trong 12 phút".
"Nguyên và gia đình sẽ tâm sự những khó khăn, thách thức trên con đường trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam lẫn châu Á, đồng thời động viên những trẻ cùng hoàn cảnh", đại diện ban tổ chức nói thêm.
Một khách mời khác của chương trình là GS.TS Thái Kim Lan. Bà sinh ở Huế, từng là Giáo sư Triết học trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế (1964-1965). Năm 1965, bà du học với học bổng của Viện trao đổi hàn lâm Đức (DAAD). Từ năm 1978 đến 2007, bà là giảng viên Triết học so sánh Đông - Tây tại Đại học Ludwig-Maximilian Universität, München.Trước đó hôm 21/8, bà là diễn giả tại tọa đàm "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng" ở chùa Giác Ngộ, TP HCM, bên cạnh Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Cũng trong chương trình ngày 4/9, thiền sư Minh Niệm sẽ trình bày pháp thoại với chủ đề "Lắng nghe trẻ thơ bằng trái tim thấu hiểu". Thầy sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng, khả năng kết nối cha mẹ với con cái khi lắng nghe và thấu hiểu. Rộng hơn là sẻ chia với trẻ yếu thế, nâng dậy những mảnh đời khốn khó, xoa dịu niềm đau của tha nhân. Sự yêu thương, giúp đỡ người khác về vật chất hay bất kỳ điều gì đó... cần xuất phát từ tâm, vô điều kiện, với thái độ dịu dàng, vui vẻ, không khó chịu, tỏ ra quyền lực hay muốn khống chế người khác...
"Việt Nam ước mong" gồm các hoạt động: triển lãm 400 tác phẩm do các bé yếu thế sáng tác; Lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn. Ban tổ chức còn trưng bày, bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân... Toàn bộ tiền thu được hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Song song đó, ban tổ chức thực hiện 5 tọa đàm về chủ đề: "Nuôi dưỡng đứa trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết"; "Nghệ thuật chữa lành đứa trẻ bên trong"; "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng", "Cần lắm bàn tay nâng đỡ dịu dàng"; "Để đứa trẻ được là chính mình".
Thi Quân