Trong chuyến thăm Đà Nẵng tháng 11/2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân bất ngờ nhận được quà tặng từ lãnh đạo khu nghỉ dưỡng ven biển nơi đoàn ở lại: Bức ảnh gia đình Tổng thống được phủ màu lên những chiếc lá từ cây Bồ Đề Ấn Độ được trồng trên đất Đà Nẵng.
Không chỉ Tổng thống Kovind, mà nhiều lãnh đạo khác như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni... cũng được tặng quà là những bức ảnh chân dung in lên những chiếc lá đã được xử lý phần thịt, chỉ còn lại phần xương trắng ghép lại gần như trong suốt, nhìn được từ hai mặt.
Tác phẩm độc bản này được tạo ra từ đôi bàn tay của nghệ nhân thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ. Ông Vỹ (70 tuổi) được Công ty Kỷ lục Vietkings xác lập kỷ lục "Người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam" năm 2007 bằng công nghệ kỹ thuật số. Sau thành công với những bức ảnh phóng lên đá, ba năm trở lại đây, nghệ nhân này sáng tạo ra nghệ thuật phóng ảnh lên lá.
Những chiếc lá Bồ Đề già được ông Vỹ tự tay ngâm nước cho rã hết phần thịt, chỉ giữ lại phần xương lá. Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình công phu. Như bức ảnh gia đình Tổng thống Kavind, ông Vỹ phải dành trọn 24 tiếng liên tục, phủ từng chi tiết lên 30 chiếc lá rồi ép lại bằng kính.
Giữ bí mật nghề nên không chia sẻ chi tiết từng công đoạn, ông Vỹ cho biết lá không cần to nhưng phải già để đảm bảo độ bền; khi phủ ảnh phải tính toán tỷ lệ ảnh với các chiếc lá được xếp chồng lên nhau để đảm bảo cân đối. Phủ ảnh xong phải dùng kính ép lại để màu ảnh giữ được lâu. Ông cam đoan, màu của ảnh in trên lá có thể giữ được trên 120 năm.
Giá cho mỗi tác phẩm là 6 triệu đồng cho bức ảnh kích thước 40x60 cm. Những tác phẩm nhỏ sẽ có giá thấp hơn. "Điều tôi thích thú nhất là đã biến những chiếc lá vốn đã là rác, trở thành những tác phẩm nghệ thuật bất tử cùng thời gian và được chủ nhân quý trọng", ông Vỹ nói.
Theo nghệ nhân, việc phủ ảnh lên lá khó nhất là khi người đặt hàng đưa một bức ảnh có dung lượng quá nhỏ, nhưng yêu cầu ảnh trên lá phải rõ nét. Nhiều lúc ông phải dùng nhiều kỹ thuật bổ trợ để đáp ứng đơn hàng. "Quan trọng là bức chân dung đó phải thực sự thần thái thì mới tạo ra được tác phẩm hoàn chỉnh", ông nói thêm.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh - Tổng giám đốc khách sạn Furama, cho biết tất cả các nguyên thủ khi nhận được món quà đã hết sức thích thú trước sự sáng tạo và công phu của nghệ nhân. "Những tác phẩm là độc bản và công nghệ in ảnh lên lá dường như chưa từng có trên thế giới", ông Vinh nhận định.
Bán 3 căn nhà để theo đuổi đam mê
Gọi kỹ thuật in ảnh lên đá và lá cây là một trò chơi, ông Vỹ bảo "trò chơi này đã khiến tôi mất ba căn nhà, khi phải dứt ruột bán đi làm học phí". Thậm chí, chiếc xe máy cuối cùng cũng được cầm cố và phải mất đến ba năm mới chuộc lại được, dù khi đó tiền lãi đã quá cả tiền xe.
Dịp Tuần Lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, ông Vỹ đã tạo ra được nhiều món đồ độc, lạ tham gia cuộc thi làm đồ lưu niệm cho APEC. Niềm tin của ông khi đó là làm ra sản phẩm vừa gắn với sự kiện quan trọng, vừa quảng bá hình ảnh địa phương và phải gọn, nhẹ để các đại biểu dễ dàng mang về nước.
Ông Vỹ in quốc kỳ 21 nền kinh tế lên mặt đá nhỏ; mặt sau in đặc trưng văn hoá, hình bản đồ, hay những công trình kiến trúc đặc trưng của quốc gia.
Trước đây, ông Vỹ có một số cửa hàng bán đồ lưu niệm với các sản phẩm chụp voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng đặc hữu ở bán đảo Sơn Trà, hay hình ảnh cầu Rồng, danh thắng Đà Nẵng... để bán cho du khách. Nhưng do không trường vốn, đơn thương độc mã nên sau một thời gian, các gian hàng phải đóng cửa. Bây giờ, ông Vỹ cặm cụi với những tác phẩm theo đơn đặt hàng ở căn nhà nằm sâu trong hẻm trên đường Ngô Quyền.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, thành phố đang thiếu quà tặng và đồ lưu niệm đặc trưng. Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ đã dày công mày mò, tìm ra chất liệu và khẳng định được thương hiệu cá nhân. "Nếu ông Vỹ có được sự hỗ trợ từ thành phố, rồi các cơ quan như Sở Công thương, Du lịch để giới thiệu đến du khách thì sẽ tạo được hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng", ông nói.