Tối 21/7, Bộ Y tế thông báo xử lý vụ cô gái Hà Nội cho biết tiêm vaccine hãng Pfizer tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô nhưng không cần đăng ký. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật và danh tính nhân viên y tế chưa được công bố.
Hôm nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và cơ quan chức năng kiểm tra nếu thông tin "tiêm vaccine không cần đăng ký" chính xác thì phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay, không để tái diễn.
Thanh tra Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị giải trình chi tiết về sự việc nêu trên.
Theo quy định ban hành đầu tháng 7 của Bộ Y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế được ưu tiên tiêm vaccine.
16 nhóm được ưu tiên tiêm, gồm: người làm việc trong cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia chống dịch; quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao và thân nhân được cử đi nước ngoài làm việc; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, điện nước; giáo viên, học sinh, sinh viên, bác sĩ trẻ... thường xuyên tiếp xúc nhiều người; người mắc bệnh mạn tính, trên 65 tuổi; người sinh sống tại vùng dịch; người nghèo, chính sách xã hội; người được cử ra nước ngoài học tập, lao động, công tác; lao động (và thân nhân) làm việc tại khu công nghiệp, vận tải, tín dụng, du lịch, cơ sở dịch vụ thiết yếu; chức sắc tôn giáo; lao động tự do.
Ngoài ra, các nhóm khác sẽ do Bộ trưởng Y tế hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, hoặc theo đề xuất của đơn vị viện trợ vaccine.
Việt Nam đã đàm phán thành công để năm 2021 có 105 triệu liều vaccine. Đến nay, Việt Nam tiêm được hơn 4 triệu liều, trong đó hơn 300.000 người đủ hai mũi.