Thông tin được công bố bởi ông Jack Nguyễn, Giám đốc Insider Đông Nam Á sáng 24/3 tại TP HCM. Số tiền 121 triệu USD thuộc vòng gọi vốn Series D do QIA dẫn dắt, cùng với các nhà đầu tư khác như Sequoia, Riverwood Capital, 212, Wamda Capital, Esas Private Equity và Endeavor Catalyst.
Sau vòng gọi vốn này, Insider được định giá 1,22 tỷ USD, trở thành "kỳ lân" công nghệ B2B SaaS (cung cấp phần mềm dạng dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp) thứ hai ở châu Á. Startup này thành lập năm 2012, có hơn 700 nhân viên tại 28 quốc gia. Đây nền tảng thu thập dữ liệu và tối ưu trải nghiệm người dùng theo thời gian thực.
Công ty thâm nhập vào Việt Nam năm 2017, đặt văn phòng đại diện ở TP HCM. Với 35 nhân sự, họ đang cung cấp giải pháp cho gần 100 thương hiệu như BamBoo Airways, Vietnam Airlines, Sơn Kim Group, VinGroup, Viettel Group, ứng dụng đặt xe be, FPT shop...
Ông Jack Nguyễn cho hay, sau 5 năm hoạt động, tốc độ tăng trưởng tại thị trường Việt Nam duy trì 80-100% mỗi năm. Nguồn vốn mới phân bổ cho thị trường này sẽ được dùng để đầu tư, mở rộng 200 nhân sự trong năm nay.
Đánh giá là "vô cùng tiềm năng", Insider tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp hậu Covid-19 diễn ra mạnh mẽ. Các điều kiện nền tảng cũng thuận lợi. Báo cáo của We Are Social cho biết, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm 73,2% tổng dân số, tính đến tháng 1/2022. Phân tích của Kepios chỉ ra rằng người dùng Internet ở Việt Nam tăng 3,4 triệu (tăng 4,9%) so với 2021.
Do vậy các kênh tiếp cận, chăm sóc và mở rộng khách hàng thông qua môi trường trực tuyến là rất cần thiết. Insider cho biết, ngày nay trung bình mỗi người tiêu dùng tương tác với thương hiệu thông qua ít nhất 6 kênh kỹ thuật số. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mỗi nhà tiếp thị phải thu hút khách hàng thông qua các kênh dựa trên sở thích cá nhân, nơi họ có tần suất hoạt động tích cực nhất.
Đó là lý do các nền tảng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) ra đời để xây dựng trải nghiệm cá nhân hóa qua các kênh tương tác mạng xã hội. Tuy nhiên, bài toán của họ phải đ cùng việc bảo mật dữ liệu cho khách hàng. Theo We Are Social, hơn 30% người dùng lo lắng về việc cách thức các công ty sử dụng dữ liệu của họ.
Ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng Thư ký hiệp hội Internet Việt Nam đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ chuyển đổi số cao. Cơ hội của thị trường này bao gồm tỷ lệ dùng Internet cao; sự sẵn sàng thích ứng của người dân và doanh nghiệp; sự đa dạng các giải pháp; các dịch vụ liên ngành cũng như cấu trúc hạ tầng cải thiện.
Tuy nhiên, thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là tỷ lệ dùng tiền mặt cao nên gây trở ngại về khả năng đồng bộ khi triển khai giải pháp. Cùng với đó, tỷ lệ lao động kỹ năng cao còn hạn chế cản trở tiếp cận công nghệ. Một số thách thức khác như khả năng chia sẻ nguồn lực liên ngành và liên kết còn thấp, nhất là trong việc phòng ngừa rủi ro; sự chậm trễ trong việc phát triển khung hành lang pháp lý.
Viễn Thông