"AI sẽ ảnh hưởng và thay đổi loài người nhiều hơn điện và lửa", ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập kiêm CEO MoMo, dẫn lại câu nói của CEO Google Sundar Pichai trong sự kiện "Nói thực về AI" tuần này tại TP HCM.
Theo ông, đó là tầm nhìn định tính, còn về định lượng, PwC dự báo AI sẽ tạo ra 15,7 nghìn tỷ USD, tương đương 14% GDP toàn thế giới đến năm 2030. "Như vậy AI là việc phải làm, vấn đề đặt ra là có làm được hay không là làm được đến đâu. Thậm chí, có nhiều dự đoán rằng 10 năm nữa chỉ còn hai loại công ty: công ứng dụng AI và công ty phá sản vì không ứng dụng AI", ông nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo.
Theo ông Tường, AI hay bất kỳ công nghệ gì cũng chỉ là công cụ phục vụ cuộc sống con người. Vì vậy, một trong những chiến lược công nghệ quan trọng ở MoMo là bình dân hóa AI, đưa trí tuệ nhân tạo vào từng ngóc ngách sản phẩm để phục vụ người dùng.
"Công nghệ đằng sau có thể phức tạp, nhưng cuối cùng làm sao để trải nghiệm người dùng phải tốt mà không cần biết có gì đứng sau. AI hay con người đều có điểm mạnh điểm yếu, việc kết hợp AI và điểm mạnh của con người sẽ tạo cộng hưởng lớn", ông Tường nói.
Còn theo quan điểm của ông Phạm Kim Long, cha đẻ bộ gõ tiếng Việt Unikey, thành viên Hội đồng AI của MoMo, nếu dùng AI làm những thứ cao xa với công nghệ mới nhất, các chỉ số mô hình đẹp nhất, nhưng cuối cùng trải nghiệm không mượt, người dùng không thích, thì cũng là thất bại.

Các thành viên trong Hội đồng AI của MoMo chia sẻ về mục tiêu bình dân hóa AI cho người Việt tại sự kiện ngày 20/1.
Vài năm trước, khi Việt Nam nhắc đến cuộc cách mạng 4.0, ở Nhật Bản đã xuất hiện khái niệm xã hội 5.0. "Khi đó AI len lỏi vào cuộc sống của mọi người từ việc thức dậy, ăn sáng, đi làm, lên tàu điện... hay tủ lạnh có thể khuyên bạn nên ăn gì", ông Thái Trí Hùng, CTO MoMo, nói. "Chúng tôi cũng đi theo con đường đó, len lỏi vào từng điểm chạm trong việc tiếp cận và giao tiếp với người dùng. AI tốt là AI mà mọi người dùng mà không nhận ra phía sau nó là gì".
Một vấn đề khác được đề cập tại sự kiện là công bằng trong AI. Với công nghệ thịnh hành là học máy thống kê (statistical learning), rủi ro này chủ yếu xuất phát từ dữ liệu như nguồn gốc, cách lấy mẫu, cách xử lý... và cách diễn giải đầu ra của các mô hình học máy. "Khi AI ra quyết định sai sẽ gây thiệt hại tới quyền lợi người dùng, ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội với trí tuệ nhân tạo nói riêng và công nghệ nói chung. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của người làm AI là an toàn, sau đó đến chính xác và tốc độ", đại diện công ty nói.
Trong sẻ trong tọa đàm bên lề sự kiện VinFuture diễn ra tại Hà Nội tuần này, Giáo sư Albert P. Pisano từ Đại học California, San Diego (Mỹ) cũng cho rằng AI không gây nguy hại trực tiếp, nhưng khi đưa ra một quyết định, con người phải giả định AI đóng vai trò như thế nào. Ông cũng cho rằng các thuật toán của trí tuệ nhân tạo ở một khía cạnh nào đó sẽ thay mặt cho con người, cho cá nhân chứ không đơn thuần chỉ là hệ thống. Còn theo giáo sư Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ), quá trình học máy của AI khó biết kết quả cuối cùng ra sao, quan trọng cần xem cách AI vận hành thế nào. "Đây là nhiệm vụ khó để xây dựng thuật toán ngay từ đầu và đặt được mục tiêu gì khi sử dụng", giáo sư cho biết.
Nhận định về tương lai công nghệ nói chung và AI nói riêng, các chuyên gia cho rằng trong 5-10 năm tới là câu chuyện bình dân hóa AI trong nhiều ngành, nhiều mặt của cuộc sống. Một xu hướng nữa là hội tụ công nghệ, khi AI kết hợp IoT hay blockchain để tạo ra sự tiện lợi và bảo mật cho người dùng. Theo tiến sĩ Bùi Hải Hưng, thuộc Viện nghiên cứu VinAI Research, AI chưa đạt được ở quy mô đại trà, nhưng trong quá trình 5-10 năm phát triển đã giúp toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay hoạt động trơn tru hơn.
Khương Nha