SenseTime và Megvii - hai "kỳ lân công nghệ" chuyên về AI có giá trị nhất của Trung Quốc (lần lượt là 7,5 tỷ USD và 4 tỷ USD) - đã bị chính phủ Mỹ thêm vào Danh sách thực thể từ tháng 10 năm ngoái. Khi đó, có ý kiến cho rằng đây chính là mối đe dọa đến sự tồn tại của cả hai doanh nghiệp còn non trẻ này.
Thực tế, tác động từ lệnh cấm của Mỹ đối với hai công ty Trung Quốc này lại ít đáng kể hơn so với những lo ngại ban đầu. Thực tế, những doanh nghiệp này chủ yếu cung ứng sản phẩm (đa số là camera giám sát tích hợp AI) cho chính phủ Trung Quốc, nên những hạn chế với họ gần như bằng không.
Thị trường này hiện rất cạnh tranh. "Camera và các ứng dụng giám sát dựa trên AI đang có sự đối đầu hết sức khốc liệt", Zhang Yi, Giám đốc điều hành của iiMedia Research có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết.
Theo số liệu của iiMedia năm 2019, thiết bị và các ứng dụng giám sát chiếm tỷ trọng cao nhất trong lĩnh vực AI, với 53,8%. Tài chính đứng thứ hai với 15,8%, tiếp theo là tiếp thị với 11,6% và vận tải là 4,2%.
"Ngành công nghiệp bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực giám sát từ năm ngoái, trước khi có cái gọi là Danh sách thực thể của Mỹ. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là chất xúc tác", một nhà đầu tư vào Megvii, nhận xét.
Cùng với SenseTime và Megvii, Yitu Technology và CloudWalk, được biết đến như "bốn con rồng" của ngành thị giác máy tính Trung Quốc. Ba công ty đầu tiên đã bị Mỹ liệt vào Danh sách thực thể vào tháng 10/2019, trong khi CloudWalk bị thêm vào tháng 5 năm nay.
Theo Post, vài ngày sau lệnh cấm, CEO Megvii Yin Qi cho biết trong một bản ghi nhớ nội bộ với nhân viên rằng công ty đã "sẵn sàng cho cuộc chiến". Ông thừa nhận các trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung máy chủ và có thể tác động đến kế hoạch IPO tại Hong Kong. Cuối cùng, lệnh cấm buộc công ty phải đóng cửa phòng nghiên cứu ở Seattle (Mỹ).
SenseTime - công ty có trụ sở tại Thượng Hải - tự tin "bảo vệ lợi ích của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và nhân viên ở mức độ lớn nhất" sau khi bị Mỹ cấm. Dù vậy, công ty này cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Danh sách thực thể của Mỹ dường như không ảnh hưởng nhiều đến các công ty khởi nghiệp về AI, kể cả khi họ đang sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Thực tế, không phải tất cả sản phẩm liên quan đến AI từ Mỹ đều nằm trong diện bị cấm. Đối với các sản phẩm bị hạn chế, các công ty Trung Quốc cũng tìm ra cách giải quyết bằng việc tìm ra "lỗ hổng" trong hệ thống để lách luật. "Trong một thời gian dài, các công ty AI đã không sử dụng sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ", Jeff Ren, một cổ đông của CloudWalk, cho biết.
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng các công nghệ về AI có nguồn gốc từ Mỹ có thể vào Trung Quốc thông qua thương nhân hoặc nhà phân phối bên thứ ba. "Các công ty Mỹ không từ bỏ thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, họ trở nên căng thẳng do mọi thứ cũng không được suôn sẻ như trước", người này nói.
Trước các lệnh cấm từ Mỹ, những "kỳ lân" AI chuyển sang tập trung cho thị trường trong nước. Yitu cho biết hồi đầu tháng 11 rằng, 58% doanh thu trong sáu tháng đầu năm nay đến từ lĩnh vực dịch vụ công thông minh, bao gồm hệ thống quản lý thành phố sử dụng camera giám sát, hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh.
Trong một hồ sơ, Megvii cho biết đang tập trung cung cấp giải pháp IoT cho thành phố thông minh, cho phép các cơ quan chính phủ "tăng cường an toàn công cộng, tối ưu hóa quản lý giao thông và cải thiện quy hoạch tài nguyên đô thị". Lĩnh vực này đã mang về cho Megvii doanh thu gần 700 triệu nhân dân tệ (104 triệu USD) trong nửa đầu năm 2019, chiếm 73% tổng doanh thu và tăng từ 61% so với cùng kỳ năm trước đó.
Vào tháng 10, Megvii cũng đã công bố hệ thống chiến lược hậu cần thông minh nhằm đẩy nhanh việc triển khai AI trong chuỗi cung ứng và kho hàng, giúp quản lý hàng tồn kho và đáp ứng nhu cầu giao hàng nhanh hơn. Một nền tảng khác mang tên AI Brain++ được công ty triển khai có thể giúp các khách hàng doanh nghiệp rút ngắn thời gian phát triển thuật toán và giảm chi phí. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hệ thống phát hiện thân nhiệt dựa trên AI của Megvii đã được triển khai tại hơn 2.000 địa điểm ở Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng đã được giới thiệu đến các thị trường bao gồm Nhật Bản, Dubai và Arab Saudi.
Dù vậy, theo iiMedia, các đơn hàng hệ thống giám sát của chính phủ Trung Quốc hiện đã đạt đỉnh điểm sau khi nước này tăng cường thành phố thông minh và hệ thống an ninh công cộng trong hai năm qua. Điều này buộc các "kỳ lân" về AI phải đa dạng hóa cơ sở khách hàng của họ.
Bảo Lâm (theo SCMP)