Trước đây, nhiều người còn coi Hội An như một điểm đến bên cạnh của Đà Nẵng. Du khách thường lựa chọn đến thăm Hội An trong một buổi hoặc một ngày rồi lại trở về Đà Nẵng để lưu trú, vui chơi giải trí. Vài năm trở lại đây, với sự gia tăng các loại hình lưu trú đa dạng như khách sạn, homestay, resort,... Hội An thu hút nhiều hơn du khách ở lại lưu trú qua đêm. Tuy nhiên tiềm năng vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, tổng lượt khách tham quan đến Hội An ước đạt 5,35 triệu lượt (số liệu năm 2019), trong đó khách quốc tế là 4 triệu lượt, tuy nhiên tỷ lệ khách lưu trú tại Hội An mới chỉ đạt khoảng 35,66%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển mạnh số lượng các cơ sở lưu trú thời gian vừa qua đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Bên cạnh đó, khu vực phố cổ thiếu các sản phẩm văn hóa – giải trí độc đáo, kinh tế đêm chưa được đầu tư phát triển, thiếu những cơ sở lưu trú đạt chuẩn... khiến một bộ phận không nhỏ du khách chỉ xem đô thị cổ Hội An là điểm tham quan rồi nhanh chóng kết thúc chuyến đi.
Những năm qua, Hội An đã có nhiều chính sách để đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển thêm nhiều dự án xung quanh trung tâm phố cổ bán kính 1 km. Đặc biệt, yếu tố văn hóa được coi là chiến lược cốt lõi vừa giúp nâng tầm trải nghiệm cho du khách, vừa phát triển bền vững.
Mới đây, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Ủy viên Hội Kiến trúc Xanh Việt Nam đã giới thiệu công trình biểu tượng mới sắp được ra mắt tại Hội An. Trước đó, công trình Nhà Cộng đồng xã Cẩm Thanh - nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu và là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao do ông thiết kế đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín.
Công trình thứ hai được giới thiệu là Không gian giao lưu văn hóa nằm trên đảo Cồn Bắp, cách phố cổ Hội An 800 m, trong khuôn viên rộng tới 11.000m2, với các không gian đa dạng trải rộng trên ba tầng.
Nổi bật là không gian văn hóa Trịnh Công Sơn, nơi trưng bày nhật ký và hàng trăm các ghi chép của nhạc sỹ, bản thảo gốc các ca khúc, thư tín, phim tài liệu, gần 700 tấm phim gốc của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chụp cố nhạc sỹ trong suốt 15 năm.
Không gian trưng bày gốm Chu Đậu với hàng nghìn hiện vật gốm Chu Đậu nổi tiếng được khai thác từ biển Cửa Đại - chứng vật lịch sử cho thời kỳ giao thương phồn thịnh "trên bến dưới thuyền" của thương cảng Hội An từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.
Ngoài ra, còn có không gian nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam, không gian trưng bày thuyền mành của ba miền qua nhiều thế kỷ; nhà sách, café tranh ảnh lịch sử, sân khấu biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc ngoài trời...
Kiến trúc công trình được lấy cảm hứng từ ca khúc "Nối vòng tay lớn" và từ các hình tượng nón lá, tà áo dài, ruộng bậc thang tượng trưng cho cảnh vật, con người Việt Nam.
"Hội An vốn là Di sản văn hóa thế giới vì vậy các công trình văn hóa mới khi đưa đến với Hội An phải làm thế nào để vừa gìn giữ, tôn tạo, bồi đắp cho những giá trị cốt lõi, vừa thổi vào những ngôn ngữ mới, làm đa dạng cho văn hóa, kiến trúc Hội An. Đó là thách thức nhưng cũng là điều thú vị của không gian văn hóa đảo Cồn Bắp", kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Không chỉ độc đáo và giàu giá trị văn hóa lịch sử, Không gian giao lưu văn hóa đảo Cồn Bắp còn mang đậm dấu ấn của vị kiến trúc sư tôn thờ triết lý "Kiến trúc Hạnh phúc". Công trình được kết hợp trong tổng thể của một Hội An xưa với rặng cau thẳng đứng, lũy tre, khai thác từ những nguyên vật liệu như tre, nứa, gỗ, gần gũi và hài hòa với thiên nhiên.
"Kiến trúc hạnh phúc và người sử dụng hạnh phúc là khi những công trình tồn tại bền vững và tiếp biến văn hóa bản địa. Không gian văn hóa đảo Cồn Bắp là một công trình như vậy và khi đi vào hoạt động sẽ trở thành nơi giao thoa, làm phong phú đời sống văn hóa của di sản Hội An", kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.
Thảo Miên