"Tôi thực sự bất ngờ khi UEFA cần đến ba tháng để công nhận đó là tình huống chơi bóng bằng tay. Ai cũng có thể thấy điều đó trong vài giây. Thật nực cười. Liệu tôi có thể tự gọi mình là nhà vô địch châu Âu sau khi họ xác nhận điều này? Chắc là không rồi", Kroos nói.
Trước đó, Ủy ban Trọng tài UEFA quyết định đổi luật thổi phạt đền theo hướng xử nghiêm hơn các trường hợp để bóng chạm tay trong vòng cấm. Trước đây, nếu bóng đập vào cánh tay của một hậu vệ ở tư thế thẳng đứng, sát người, họ sẽ không bị phạt.
Tình huống này đã xảy ra khi hậu vệ Tây Ban Nha Marc Cucurella để bóng chạm tay sau cú sút của Jamal Musiala trong hiệp phụ trận tứ kết Euro 2024 gặp Đức, lúc tỷ số đang là 1-1. Ngay sau pha bóng này, tiền vệ Mikel Merino đánh đầu ghi bàn ở phút 119, đưa Tây Ban Nha vào bán kết.
Sau trận, dư luận và truyền thông Đức đã chỉ trích dữ dội quyết định không thổi phạt đền của trọng tài Anthony Taylor. Họ cho rằng tay của Cucurella cản đường bay của trái bóng hướng khung thành nên phải bị phạt.
Truyền thông Tây Ban Nha đã công bố một số đoạn trích từ báo cáo của Ủy ban Trọng tài UEFA về Euro 2024, trong đó nêu bật tình huống trên cần thổi phạt đền. UEFA thường tổ chức họp với các trọng tài sau mỗi giải đấu. Tại những buổi họp này, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu sẽ xem xét lại các tình huống tranh cãi và hướng dẫn trọng tài cách xử lý. Tình huống bóng chạm tay của Cucurella là một trong những tình huống như vậy, và UEFA nhận định lẽ ra trọng tài Anthony Taylor nên thổi phạt đền.
Huyền thoại bóng đá Đức Lothar Matthaus cũng rất phẫn nộ khi biết tin. Ông nói: "UEFA thừa nhận đó là quyết định sai lầm, đồng nghĩa với việc chúng ta bị lừa dối. Như vậy, lời giải thích của họ chỉ là cái cớ. Thật trơ trẽn khi đến giờ, họ mới thừa nhận điều mà mọi người đều thấy lúc đó".
Matthaus cho biết ông từng chấp nhận cách giải thích của trưởng ban trọng tài UEFA, rằng luật quy định không thổi phạt khi cánh tay chạm bóng của hậu vệ buông thõng, thẳng đứng với thân người. Nhưng sau khi biết tin UEFA thừa nhận sai lầm, cựu tiền vệ Đức nghi ngờ quy định này có thể chưa từng tồn tại.
Vĩnh San (theo Bild)