Kodak DCS Pro SLR/c 13,5 triệu điểm ảnh. |
Thiết kế phía trên đỉnh của máy giống với Sigma SA9 / SD9 / SD10, còn lại thân hình mang phong cách thiết kế truyền thống của Kodak. Toàn bộ thân máy đựơc làm từ hợp kim magiê và phía sau máy cũng như tay cầm được bọc lớp da mềm màu đen khiến máy trông thật chuyên nghiệp. So với đời máy trước đó Kodak DCS Pro SLR/n, các phím chức năng điều khiển của SLR/c hoàn hảo hơn và tiện dụng hơn đặc biệt với phím điều khiển 4 phía cùng với nút OK ở giữa. Tuy nhiên, tay cầm quá rộng và thiếu chiều sâu khiến cho người cầm máy có thể sẽ gặp khó khăn khi sử dụng. Thêm vào đó, thân hình to lớn cộng với khoảng trống giữa tay cầm và ống kính quá hẹp lại càng khiến cho tay cầm trở nên bất tiện hơn. Chính vì vậy để chắc ăn, người chụp nên sử dụng cả hai tay để cầm máy.
Kodak DCS Pro SLR/c mặt sau. |
Mặc dù thân hình khá đồ sộ nhưng so với Canon EOS-1D Mark II, SLR/c vẫn nhỏ và nhẹ hơn khá nhiều, khối lượng thân máy của SLR/c chỉ bằng 2/3 EOS-1D. Sự khác biệt nhiều về khối lượng chính là do EOS-1D được làm từ kim loại nặng và lại có các khớp nối bảo vệ giữa các bộ phận của máy.
Màn hình LCD trạng thái phía trên đỉnh cung cấp các thông tin chi tiết về mặt nhiếp ảnh như độ mở, điểm nét, đèn flash, tốc độ chụp, ISO, số kiểu ảnh còn lại... DCS Pro SLR/c có màn hình LCD nhỏ 1,8 inch, độ phân giải 130.000 điểm ảnh nhưng màn hình vẫn khá nét và sáng. Tuy nhiên, đáng tiếc là Kodak đã không trang bị một lớp chống phản quang như các hãng khác để máy có thể hoạt động tốt dưới ánh sáng trời. Màn hình phản ứng không thật sự nhanh với các yêu cầu của bạn, và việc hiển thị một bức ảnh có thể khiến bạn phải chờ lâu hơn những gì bạn mong đợi.
Kodak DCS Pro SLR/c nhìn từ trên xuống. |
Ngoài màn hình thông thường, DCS Pro SLR/c còn có một màn hình trạng thái số nhỏ nằm phía dưới màn hình LCD. Màn hình này thực hiện ba chức năng chính: ở chế độ shooting, màn hình cho biết thông tin chính về cân bằng trắng, độ nhạy cảm ánh sáng... và cho phép bạn thay đổi những thông số trên; ở chế độ play, màn hình cung cấp tên file đang hiển thị và kích cỡ của file; ở chế độ menu màn hình cung cấp các thông tin cho menu vừa được lựa chọn.
Kodak DCS Pro SLR/c và Canon 1D-Mark II. |
Ô ngắm của dc sáng và rõ cho phép ngắm 100% kích thước của bức ảnh thực tế. Thông qua ô ngắm, bạn có thể thấy trung tâm của ảnh và 5 điểm nét. Dọc phía dưới ô ngắm là thanh trạng thái cho phép bạn có thể biết được các thông tin về độ mở, tốc độ chụp... và có thể giúp bạn chọn lại các chế độ mà không phải rời mắt khỏi đối tượng chụp.
Thông số của DCS Pro SLR/c |
Độ phân giải: 13,5 triệu điểm ảnh |
DCS Pro SLR/c dùng pin Li-Ion 1.800 mAh (13,3 Wh) có khối lượng nhẹ khiến trọng lượng của máy tăng lên không đáng kể. Pin sạc trong vòng 90 phút và trong quá trình sạc, đèn LED sẽ nhấp nháy báo hiệu pin đã được sạc xong. Viêc sạc pin còn có thể thực hiện ngay trong máy thông qua một dây tiếp hợp.
DCS Pro SLR/c dùng được hầu hết các loại ống kính của Canon hoặc thậm chí có thể dùng các loại ống kính của các hãng khác nhờ vào cấu tạo khớp ống kính EF. Máy có bộ phận Image Clean nằm ngay phía sau khớp ống kính nhằm loại bỏ và làm sạch bụi bẩn bám trên bề mặt của chip.
Mặc dù là máy ảnh chuyên nghiệp nhưng tốc độ của DCS Pro SLR/c vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một máy ảnh chuyên nghiệp. Máy không có bộ lọc chống ồn nên độ ồn của máy ở ISO trên 400 cao hơn mức ồn trung bình. Tuy nhiên, DCS Pro SLR/c là máy ảnh với độ phân giải cao, cho ra ảnh đẹp, nét ở độ phân giải thấp hơn. Máy có độ ồn thấp ở ISO 160, tốc độ xử lý ảnh và ghi ảnh nhanh đối với những file ảnh RAW. Ngoài ra máy còn có thể sử dụng ống kính SLR khác rất tiện dụng cho người sử dụng.
Lan Anh (theo Dpreview)