Tháng 4/2016, Kobe giải nghệ, khép lại 20 năm rực rỡ tại NBA. Gắn bó trọn sự nghiệp với Los Angeles Lakers, ngôi sao 39 tuổi đã đoạt được mọi thứ anh muốn: 5 chức vô địch NBA, một danh hiệu MVP (Cầu thủ hay nhất mùa), 18 lần lọt vào đội hình tiêu biểu All-Star, cùng rất nhiều giải thưởng và kỷ lục lớn nhỏ khác.
Bên cạnh bộ sưu tập danh hiệu, sự nghiệp bóng rổ hiển hách còn mang về cho Kobe gia tài kếch xù hơn 400 triệu đôla. Tính đến trước khi giải nghệ, số tiền Kobe kiếm được nhờ chơi bóng rổ chỉ kém LeBron James, trong số những ngôi sao đang góp mặt tại NBA. Rất nhiều người tin rằng với tài sản khổng lồ ấy, Kobe có thể yên tâm giải nghệ và sống quãng đời còn lại một cách thoải mái nhất. Nhưng chủ nhân của nó lại không nghĩ như vậy.
"Tôi may mắn vì giải nghệ ở tuổi 37, nhưng đa số các vận động viên thể thao khác sẽ phải làm điều đó lúc 32 hay 34 tuổi. Một khi giải nghệ, bạn không còn thu nhập ổn định. Dù có tiết kiệm được số tiền lớn sau 15 năm sự nghiệp, nếu vẫn chi tiêu cho những sở thích của mình như cũ, cái giếng rồi sẽ đến lúc cạn khô", Kobe nói trên CNBC.
NBA từng chứng kiến rất nhiều "những cái giếng bị khô cạn" như Kobe nói. Đồng nghiệp cùng thời với anh, Antoine Walker từng phải tuyên bố phá sản chỉ hai năm sau khi giải nghệ, dù kiếm tới 108 triệu đôla nhờ 12 năm ở NBA. Với Kobe, cuộc đời cũng như một trận bóng rổ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
"Không gì là chắc chắn. Sự nghiệp của tôi cuối cùng cũng phải dừng lại, và tài sản của tôi có thể cũng cạn kiệt nếu không có sự chuẩn bị. Câu hỏi cần đặt ra sau khi giải nghệ là làm thế nào để tiếp tục tạo ra thu nhập lớn nhất cho bản thân. Sau đó, hãy tự hỏi rằng đam mê tiếp theo là gì. Đam mê giúp bạn cảm thấy phần đời còn lại có ý nghĩa", ngôi sao ghi điểm nhiều thứ ba trong lịch sử NBA dành lời khuyên cho những vận động viên chuẩn bị giải nghệ.
*10 pha ghi điểm để đời của Kobe
Kobe đã trả lời được câu hỏi hóc búa của anh từ bốn năm trước. Đam mê tiếp theo của anh, sau bóng rổ, là kinh doanh. Cùng với cộng sự Jeff Stibel, Kobe đã đầu tư vào 15 doanh nghiệp khác nhau từ năm 2013. Những vụ làm ăn này đã giúp Kobe kiếm hàng chục triệu đôla thu nhập thụ động mỗi năm. Anh, vì thế, quẳng được gánh lo từ việc không còn khoản lương 30 triệu đôla của Lakers. Năm ngoái, Kobe và Stibel tiếp tục ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 100 triệu đôla, được dùng vào các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và quản lý dữ liệu.
Dấn thân vào thương trường, Kobe coi đây là cuộc chiến mới của bản thân, giống hệt cảm giác khi anh được chọn ở vị trí số 13 của kỳ NBA draft năm 1996. "Thương trường mang tới sự hứng khởi và lo lắng. Trong 20 năm, tôi đã quen với việc tập luyện, thi đấu, trở về nhà, rồi lại lặp lại điều đó tuần này sang tuần khác. Kinh doanh là bài học mới, khác biệt hoàn toàn. Tôi phải học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nhân, phải duy trì các mối quan hệ và phải mạo hiểm với đồng tiền của mình. Hiểu một cách đơn giản, trước đây tôi thi đấu để kiếm tiền, còn bây giờ tôi phải tìm cách sinh lãi cho những đồng tiền ấy. Nó không hề dễ dàng như tôi từng hình dung", huyền thoại của Lakers chia sẻ.
Với 400 triệu đôla, Bryant hoàn toàn có thể rung đùi ngồi nhà chơi và đưa đón ba cô con gái đi học. Đó hẳn là suy nghĩ của nhiều người, nhưng không phải của một người từng đầu cơ bất động sản từ cuối những năm 1990. "Tôi phát ốm khi chôn chân ở nhà. Những bữa tiệc, những kỳ nghỉ, những chuyến du lịch rồi cũng qua đi. Chỉ còn lại một cảm xúc trống rỗng. Tôi không chịu được việc phải ngồi yên một chỗ, nhất là khi vợ và các con tôi cũng đang theo đuổi những đam mê của họ. Tôi biết mình thích kinh doanh và muốn làm điều đó", Kobe chia sẻ.
Trong cả sự nghiệp ở NBA, Kobe Bryant vẫn được xem là bản sao hoàn hảo của Michael Jordan trong các động tác lừa bóng và ném rổ. Dường như sau giải nghệ, anh vẫn tiếp tục lấy thần tượng số một của mình làm tấm gương để noi theo. Michael Jordan, ông chủ của thương hiệu giày Jordan và CLB bóng rổ Charlotte Hornets, đang là tỷ phú duy nhất của làng thể thao duy trì được tài sản trên 1,2 tỷ đô trong ba năm liên tiếp. Rất có thể trong tương lai, Bryant sẽ nối bước Jordan trở thành tỷ phú tiếp theo của nước Mỹ xuất thân từ NBA.
LeBron James và Stephen Curry đầu tư vào các Start-up tại Mỹ
Không riêng Bryant, những ngôi sao hàng đầu NBA hiện tại đã tính dần tới con đường kinh doanh sau khi giải nghệ. Tháng Bảy vừa qua, LeBron James đã đầu tư một triệu đôla vào một start-up có tên Blaze Pizza, chuyên về đồ ăn Italy. Trước đó, ngôi sao 33 tuổi đã thành lập nhiều công ty truyền thông của riêng mình và năm ngoái thu về lợi nhuận ròng lên đến 275 triệu đôla. Khả năng kinh doanh “mát tay” của James từng được tỷ phú Warren Buffett ca ngợi công khai trên truyền hình. Một ngôi sao hàng đầu khác của NBA, Stephen Curry cũng đã bỏ hàng triệu đôla để thành lập một công ty về công nghệ phần mềm tại thung lũng Silicon. Hoạt động từ năm 2015, dự án này bắt đầu mang về những khoản lợi nhuận cho Curry và các cộng sự, hứa hẹn một tương lai ổn định và tươi sáng. |
Nhân Đạt