Thời gian qua, Bộ Y tế nhiều lần gửi công văn tới Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc bộ ngành, thông báo danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm nCoV đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu.
Hồi tháng 7, kèm theo công văn là danh sách chi tiết về các đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu, khả năng cung cứng và giá bán (do đơn vị cung ứng công bố). Việc cập nhật danh sách và thông báo này nhằm "để các Sở Y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm".
Bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á bằng phương pháp PCR nằm trong nhóm "sản xuất trong nước", được thông báo ở đầu danh sách (số thứ tự 1). Tên kit là LightPower, số đăng ký 2000001, ngày 4/12/2020, có giá trị 5 năm. Tên đơn vị sản xuất là "Chi nhánh Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, địa chỉ 1/9A quốc lộ 1A, khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương".
Giá bán do đơn vị cung ứng công bố, được dẫn lại trong danh sách kèm theo công văn của Bộ Y tế là 470.000 đồng/test, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 test.
Đơn hàng số lượng càng lớn, mức giá càng được giảm. Cụ thể, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test; 315.000 đồng với đơn hàng từ 1.000.000 đến 5.000.000 test; 220.500 đồng với đơn hàng từ 5.000.000 test.
Công ty Việt Á được giới thiệu có khả năng cung cấp 3 triệu test mỗi tháng.
Ngoài Việt Á, còn có 4 bộ kit xét nghiệm khác của các đơn vị trong nước được giới thiệu, gồm: Công ty cổ phần Sao Thái Dương với một loại kit PCR giá 300.000 đồng/test; hai loại kit LAMP giá 385.000 đồng/test. Công ty Cổ phần Dược phẩm Ampharco U.S.A, có bộ kit PCR giá 179.800 đồng/test.
Trong khi đó, nhiều test PCR nhập khẩu có giá thấp hơn, như test của hãng: Roche Molecular Systems Inc (Mỹ), giá 55 triệu đồng mỗi bộ gồm 192 test (286.500 đồng/test); Solgent Co.Ltd (Hàn Quốc) giá từ 280.000 đến 390.000 đồng/test; Kogenebiotech (Hàn Quốc) giá 35 triệu đồng/hộp 100 test (350.000 đồng/test)...
Tuy nhiên, cũng có loại kit nhập khẩu giá cao hơn mức giá mà Việt Á đưa ra, như PrimerDesign Ltd (Anh), giá 51 triệu đồng/hộp gồm 96 test (531.250 đồng/test). Abbott Molecular Inc. (Mỹ), giá 57,6 triệu/hộp gồm 96 test (600.000 đồng/test)...
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Bộ đã hai lần cập nhật các bộ sinh phẩm xét nghiệm của đơn vị trong nước đã được cấp số đăng ký, trong đó có kit Việt Á, nhưng chưa cập nhật giá bán.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật nhiều tỉnh, thành cho hay đã mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với mức giá theo như giá bán công bố nêu trên. Đơn cử, Sở Y tế Đà Nẵng cho hay tháng 5/2021, trước yêu cầu cấp bách của việc xét nghiệm và để đảm bảo kịp thời sinh phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) thành phố đề xuất mua sắm 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower, hãng sản xuất Việt Á, với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.
Cơ sở xây dựng giá dự toán gồm 3 báo giá thị trường, các quyết định trúng thầu trước đó được công khai tại Cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế theo quy định.
Từ ngày 2/7, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này. Sở Y tế Đà Nẵng sau đó đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng.
Từ tháng 5 đến tháng 10/2021, CDC Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 5,3 triệu lượt người bằng phương pháp RT-PCR, với số lượng test sinh phẩm xét nghiệm là 309.866 test.
"Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong lấy mẫu gộp nhóm khi xét nghiệm diện rộng, nhờ đó mà số lượng sinh phẩm phải sử dụng cũng giảm đi rất nhiều trong các đợt lấy mẫu cộng đồng để kiểm soát dịch", ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, nói.
Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á cùng một số thuộc cấp gồm: Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ, kiêm cửa hàng trưởng Âu Lạc), Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý tài chính), Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh) để làm nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Doanh nghiệp đã cung ứng kit cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.