Ngày 29/3, các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương cho biết khi bị điện giật bệnh nhân hôn mê, ngừng tim, ngừng thở, không bắt được mạch. Ngay lập tức, kíp cấp cứu trải thảm ngay cạnh bờ ao, thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, sốc điện đến khi tim đập lại, sau đó chuyển người bệnh về bệnh viện.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt chỉ huy, dùng các loại thuốc vận mạch.
Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn cải thiện.
Điện giật có thể gây bỏng da, co giật, co cơ, hội chứng khoang, tiêu cơ vân. Một số trường hợp bị giật ngã dẫn đến gãy xương, chấn thương nội tạng, tổn thương não, tủy sống và thần kinh ngoại biên. Nghiêm trọng nhất là ngừng thở, ngừng tim dẫn đến tử vong.
Người dân cần thận trọng khi làm việc hay di chuyển tại các khu vực có điện lưới, đặc biệt trong những ngày trời mưa ẩm, nơi có trạm điện, đường điện cao thế, sửa chữa điện lưới... Khi ứng cứu nạn nhan, cần ngắt kết nối nguồn điện càng nhanh càng tốt như đóng cầu dao, rút phích cắm...
Người cấp cứu phải đứng ở nơi khô ráo, trên vật cách điện, đeo găng tay cách điện hoặc quấn thêm vải khô, túi nylon và không được túm vào các bộ phận cơ thể người bị nạn. Sau đó, khẩn trương chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
10 ngày trước, nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đi du lịch Đà Nẵng, tình cờ có mặt tại một nhà hàng đã kịp thời ép tim cứu sống một du khách Ấn Độ.
Thùy An