"Mắt tôi giật khi tôi đọc trên màn hình hoặc sách. Tôi cũng thường hoa mắt và đau đầu", Bittman nói. Bác sĩ cho rằng việc đeo kính VR là nguyên nhân khiến mắt ông kém đi.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhãn khoa Anh cho biến hiện chưa có bằng chứng đủ tin cậy cho thấy kính VR gây tổn thương mắt vĩnh viễn ở trẻ em hay người lớn. "Một số người có thể gặp những triệu chứng tạm thời, như chóng mặt, khô mắt, đau đầu... Nếu dùng kính suốt cả ngày, bạn cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp và cứ một giờ sử dụng, nên nghỉ 5 đến 10 phút, nhìn ra cửa sổ hoặc đi dạo một đoạn ngắn", Ceri Smith-Jaynes, chuyên gia của Hiệp hội nhãn khoa Anh, nói với BBC.
Nhiều bác sĩ từng cảnh báo công nghệ thực tế ảo - những hình ảnh được tạo từ máy tính, mô phỏng thế giới thực hoặc tưởng tượng - có thể gây căng thẳng vì não bộ buộc phải xử lý hình ảnh theo cách khác với thông thường.
Oculus, công ty phát triển kính VR của Facebook, ghi trong sách hướng dẫn rằng người dùng có thể gặp hiện tượng chóng mặt, hoa mắt khi sử dụng kính, nhưng tỷ lệ chỉ khoảng 1/4.000. Hãng khuyến cáo nếu xuất hiện những triệu chứng này, người dùng nên dừng sử dụng thiết bị và đi khám.
Bittman cũng thừa nhận ông đeo kính quá nhiều, khoảng 6 giờ mỗi ngày, chia thành các phiên 30 phút.
Tuy nhiên, thời gian sử dụng như vậy có thể là điều bình thường khi VR trở nên phổ biến. Nhiều hãng công nghệ tin rằng, sau smartphone và máy tính bảng, nền tảng điện toán tiếp theo sẽ là thực tế ảo VR. Người dùng sẽ sử dụng kính VR để chơi game, trao đổi với bác sĩ, tham gia khóa học trực tuyến, du lịch từ xa. Để chuẩn bị cho xu hướng này, các công ty phát triển sẽ cần cải tiến và tìm ra giải pháp làm giảm hiện tượng nhức mỏi mắt cho người dùng khi đeo kính.
Minh Minh (theo BBC)