Kính viễn vọng SPHEREx (Spectro-Photometer for the History of the Universe, Epoch of Reionization and Ices Explorer) có 3 mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là tìm kiếm bằng chứng về vụ nổ Big Bang và lập bản đồ thiên hà có nguồn gốc từ quá trình mở rộng của vũ trụ, từ đó cung cấp thêm thông tin cho các nhà vật lý học về sự hình thành của vũ trụ.
Mục tiêu thứ hai của SPHEREx là nghiên cứu những quầng sáng mờ còn sót lại từ mọi thiên hà trong vũ trụ để tìm hiểu chúng hình thành như thế nào. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là tìm nước băng và phân tử hữu cơ đông lạnh, giúp giới nghiên cứu khám phá vật liệu duy trì sự sống có phổ biến trong những thiên thể khác hay không và sự sống ngoài hành tinh có thể phát triển ở đâu.
Theo dự kiến, SPHEREx sẽ phóng vào tháng 6/2024 hoặc tháng 4/2025 với nhiệm vụ kéo dài hai năm. Trong suốt thời gian đó, thiết bị sẽ lập bản đồ toàn bộ bầu trời 4 lần, sử dụng quang phổ học, chia ánh sáng cận hồng ngoại thành nhiều bước sóng, nhằm phát hiện hình dáng hoặc cấu tạo của vật liệu. Đó là vì những nguyên tố hóa học hấp thụ và phát ra bước sóng ánh sáng theo cách khác nhau. Kỹ thuật này từng được giới nghiên cứu sử dụng để phát hiện tiểu hành tinh trị giá 10 tỷ tỷ USD.
Bản đồ lập từ thông tin của SPHEREx cũng giúp ước tính khoảng cách giữa vật thể và Trái Đất, theo Allen Farrington, quản lý dự án SPHEREx ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.
Những chuyên gia trong dự án mất 29 tháng để chế tạo các bộ phận trước khi bước vào giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm và phóng. Chi phí chế tạo SPHEREx lên tới gần 250 triệu USD, theo ước tính khi công bố dự án vào năm 2019.
An Khang (Theo Independent)