
Kính viễn vọng không gian James Webb. Ảnh: NASA
Kính viễn vọng thế hệ mới này đang gửi nhiều quan sát khoa học về các ngoại hành tinh, thiên hà và thậm chí hành tinh trong hệ Mặt Trời. Trục trặc ở thiết bị hồng ngoại trung (MIRI) sẽ ảnh hưởng tới tốc độ hoạt động của Webb, khiến cỗ máy không thể thực hiện một chế độ quan sát chuyên dụng, Cnet hôm 20/8 đưa tin.
MIRI trang bị một camera và quang phổ kế được thiết kế để quan sát vũ trụ ở bước sóng hồng ngoại mà con người không thể nhìn thấy. MIRI chuyên theo dõi những khu vực hình thành sao trong các thiên hà. Thiết bị sử dụng 4 chế độ quan sát. Hôm 24/8, một cơ cấu hỗ trợ một trong 4 chế độ là máy quang phổ độ phân giải trung bình (MRS) có dấu hiệu tăng ma sát trong lúc bố trí để quan sát khoa học, NASA cho biết.
Cơ cấu gặp vấn đề được sử dụng để lựa chọn giữa các bước sóng khác nhau khi Webb quan sát ở chế độ MRS. Đội phụ trách kính viễn vọng tập hợp tổ đánh giá hôm 6/9 để xem xét vấn đề và tìm hướng giải quyết. NASA nhấn mạnh kính viễn vọng vẫn hoạt động tốt và 3 chế độ quan sát còn lại của MIRI đang vận hành bình thường.
Kính Webb từng gặp một sự cố trước đây khi thiên thạch siêu nhỏ va vào một chiếc gương của kính. Kính viễn vọng không gian Hubble lâu năm hơn cũng gặp nhiều vấn đề kỹ thuật trong suốt thời gian hoạt động trong vũ trụ.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)