Tôi hỏi Đại trưởng An, vì sao lại quy định như vậy? Anh nói "trên vai các đồng chí là ngôi sao, là Tổ quốc. Chúng ta chỉ được phép bắt bằng một tay và khẽ nghiêng mình trước lãnh đạo chứ không cúi mình, dù người đó giữ cương vị nào".
Khi gặp từ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến Chủ tịch nước, chúng tôi luôn thực hiện đúng lễ tiết của quân nhân, dù có những người lính khi đó chỉ mười tám, đôi mươi. Tôi thấy ngành Quân đội và Công an vẫn giữ tác phong này trong khi chào hỏi.
Trong ngành Kiểm sát, chúng tôi cũng phải tuân thủ nhiều yêu cầu chuẩn chỉnh về ngôn ngữ bất kể trong khi nói hay viết. Chẳng hạn, khi họp hành, giao ban, không được kính thưa, kính chúc dài dòng mà cần đi thẳng vào vấn đề. Khi viết, phải sử dụng ngôn từ ngắn gọn, cô đọng. Tôi cũng thường mạnh dạn bỏ từ kính trình trong các báo cáo, đề xuất gửi lãnh đạo.
Tất cả quy định chi tiết như thế giúp chúng tôi hoàn thiện từng ngày, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả công việc.
Nhưng sau gần 10 năm công tác, tôi nhận thấy văn hóa công vụ có chỗ vẫn chưa phù hợp.
Văn bản nội bộ hay công văn đến, đi ở các cấp hành chính hiện nay đều sử dụng từ kính gửi. Từ kính ở đây được hiểu là thái độ coi trọng, đề cao đối với người khác. Nhưng nó phù hợp với các nghi thức xã giao hơn là hoạt động công vụ vốn đặt nền tảng trên sự liêm chính, chí công.
Các hội nghị hành chính cũng thường sử dụng từ kính thưa. Nhưng do chưa có quy định cụ thể (Nghị định số 145/2013 chỉ hướng dẫn một phần), dẫn đến sự tùy nghi, thừa kính thưa, kính chúc. Điều này là không cần thiết và làm mất thời gian của lãnh đạo, công chức.
Ngoài ra, việc tổ chức lễ chào cờ cho công viên chức cũng chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng nơi thì thực hiện, nơi thì không hoặc thực hiện thiếu trang trọng.
Việt Nam đang quyết liệt thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo tôi, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức cần có quy định cứng, theo hướng:
Thứ nhất, mạnh dạn bỏ từ kính gửi trong các văn bản hành chính. Thay vào đó sử dụng từ Tới hoặc Đến, như nhiều quốc gia sử dụng thuật ngữ "To". Kính gửi chỉ nên được sử dụng trong các văn bản phúc đáp nhân dân.
Thứ hai, bỏ từ kính trong từ kính thưa ở tất cả hội nghị vì từ thưa đã hàm chứa đầy đủ sự trân trọng. Mặt khác, khi phát biểu chỉ nên thưa lãnh đạo giữ vị trí cao nhất hoặc thưa thủ trưởng và thưa các vị khách mời. Còn lời chúc chỉ dành cho người bế mạc hội nghị.
Thứ ba, cần quy định về việc chào cờ. Đối với các đơn vị đeo sao trên đồng phục thì đưa tay phải lên để chào, còn lại thì ấp lòng bàn tay phải vào ngực trái thay vì buông thõng hai tay như hiện nay. Quy định về chào cờ không cần quá chi tiết, chỉ cần sau khi tiếng hô chào cờ, chào vừa dứt là đưa tay lên chào quốc kỳ và hát quốc ca trên nền nhạc không lời.
Thứ tư, tay lãnh đạo không nặng mà nặng ở chức trách, nhiệm vụ được lãnh đạo giao phó. Do đó, trân trọng lãnh đạo thì thực hiện tốt công việc là đủ, còn bắt bằng cả hai tay trong hoạt động công vụ là không phù hợp. Ngoại trừ cấp trên hoặc đồng nghiệp bị ốm đau thì việc bắt bằng cả hai tay có thể thực hiện với ý nghĩa động viên, an ủi tinh thần.
Tuần vừa rồi, tôi về quê chịu tang bà nội. Người thân cho rằng tôi xung khắc tuổi với bà nên không cho tôi đưa tiễn. Nhưng thọ ơn bà bế ẵm bao năm, tôi kiên quyết không đồng ý. Đôi khi, nỗi sợ hãi không có thật mà do tâm thức vẽ vời ra. Nếu không mạnh dạn bước qua, chúng ta sẽ bị kìm hãm, không dám nói và cũng không dám làm những điều thiết thực.
Đất nước đang bước vào một giai đoạn mới, với những nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, hướng tới việc vận hành bộ máy gọn nhẹ nhưng hiệu lực, hiệu quả. Kính gửi - kính thưa đã tồn tại bao đời nay như một thói quen cố hữu. Bỏ kính gửi - kính thưa tưởng là chuyện nhỏ nhưng đòi hỏi sự đổi mới về tư duy, và nếu làm được, sẽ dẫn đến những thay đổi lớn hơn về hành vi và nhận thức công vụ.
Bùi Võ