Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo, kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022 - 2025 sẽ thiệt hại 2.300 tỷ USD nếu các quốc gia phủ được vaccine Covid-19 cho 60% dân số và phần lớn thiệt hại nằm ở các nền kinh tế mới nổi.
"Các nước mới nổi sẽ gánh chịu khoảng hai phần ba số thiệt hại này, càng trì hoãn khả năng bắt kịp kinh tế của họ với các nước phát triển", Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU, cho biết.
Về mặt tuyệt đối, châu Á sẽ là "châu lục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất", với thiệt hại dự kiến lên tới 1.700 tỷ USD, hay 1,3% GDP dự báo của khu vực. Các nước ở châu Phi cận Sahara sẽ mất khoảng 3% GDP dự báo, mức cao nhất tính theo tỷ lệ phần trăm.
EIU thừa nhận con số là không nhỏ nhưng các ước tính chỉ mới nắm bắt được một phần các cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ, đặc biệt là trong dài hạn. Các tác động của đại dịch đối với giáo dục cũng không được tính đến trong dự báo này. Các quốc gia giàu có hơn đã chuyển hướng sang dạy học trực tuyến khi phong tỏa, nhưng nhiều quốc gia đang phát triển không thể áp dụng rộng rãi phương thức đó.
Các quốc gia giàu có đang vượt xa về tỷ lệ tiêm chủng, tiến tới bổ sung mũi tiêm tăng cường và mở cửa lại nền kinh tế. Trong khi đó, các nước nghèo hơn đang tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng. Khoảng 5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu tính đến ngày 23/8, nhưng chỉ có 15,02 triệu liều trong số đó là ở các nước thu nhập thấp, theo Our World in Data.
Báo cáo của EIU cho biết sự bất bình đẳng về vaccine xuất hiện do sự thiếu hụt toàn cầu về năng lực và nguyên liệu sản xuất, bên cạnh khó khăn về hậu cần trong việc vận chuyển và lưu trữ vaccine và vài do dự trong việc tiêm chủng.
Nhiều nước đang phát triển cũng không đủ khả năng mua vaccine cho người dân của họ và phải tìm nguồn tài trợ từ các nước giàu hơn. Nhưng các sáng kiến toàn cầu đã không hoàn toàn thành công trong việc cung cấp vaccine cho những người đang cần. "Covax, sáng kiến do WHO tài trợ để vận chuyển vaccine đến các nền kinh tế mới nổi, đạt được kỳ vọng khiêm tốn", bà Demarais đánh giá.
Covax đặt mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, nhưng cho đến nay mới chỉ chuyển được 217 triệu liều, theo bộ theo dõi của UNICEF. Các nước nghèo hơn có khả năng phục hồi sau đại dịch chậm hơn, đặc biệt nếu các biện pháp hạn chế cần được áp dụng lại do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, theo EIU.
Phiên An (theo CNBC)