Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ sáu, 10/12/2021, 13:30 (GMT+7)

Kinh tế thế giới 2021 qua ảnh

Dù 2021 chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế nhanh hơn kỳ vọng, những thách thức cần giải quyết vẫn còn rất nhiều

2021 khởi đầu bằng sự lạc quan, rằng với nỗ lực của các nhà khoa học và các hãng dược phẩm, vaccine Covid-19 sẽ nhanh chóng được phổ biến trên thế giới. Mọi người sẽ được miễn dịch, việc tiếp xúc sẽ an toàn và Covid-19 sẽ trôi vào dĩ vãng.

Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Biến chủng Delta xuất hiện tại Ấn Độ hồi mùa xuân đã làm đảo lộn tất cả. Và dù 2021 chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng, nhờ các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ, những thách thức cần giải quyết vẫn còn rất nhiều. Chuỗi cung ứng đứt gãy khắp mọi nơi, lạm phát lan tràn, giá nhiên liệu tăng chóng mặt, còn công sở vắng tanh vì người lao động phải làm việc tại nhà.

Theo Bloomberg, dưới đây là những bức ảnh thể hiện nhiều khía cạnh của kinh tế toàn cầu năm nay.

Frankfurt, 11/2: Những văn phòng trống trải tại quận tài chính ở thành phố này. Sự hối hả và bận rộn tại đây còn rất lâu mới quay về bình thường. Gần đây, Đức và một số nước châu Âu thậm chí tái áp dụng chính sách làm việc tại nhà để ngăn đại dịch lây lan.

Sydney, 20/2: Một nhân viên phụ trách đấu giá đang tương tác với người mua trong buổi đấu giá một căn nhà ở Paddington. Giá nhà tại Australia, cũng như rất nhiều nơi trên thế giới, tăng vọt trong năm qua. Nỗi sợ bị bỏ lại phía sau đã khiến nhiều người mua lao vào thị trường bất động sản.

Nadvoitsy (Nga), 18/3: Một kỹ sư đang điều chỉnh giàn máy đào tiền ảo tại trang trại đào tiền số CryptoUniverse. Giá Bitcoin năm nay liên tục lập đỉnh, có thời điểm chạm 67.778 USD đầu tháng 11.

Ai Cập, 23/3: Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez khi bị mắc kẹt tại đây. Sự cố kéo dài gần một tuần, càng gây sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng trong đại dịch. Hơn 360 tàu mắc kẹt cùng số hàng hóa trị giá 3-9,6 tỷ USD. Sự cố cũng phơi bày điểm yếu của hệ thống thương mại toàn cầu, khi vận tải biển quá phụ thuộc vào kênh đào nhỏ hẹp.

Bắc Kinh, 21/4: Đội quân giao đồ ăn của Meituan. Cũng như các hãng thương mại điện tử khác trên thế giới, gã khổng lồ Trung Quốc hoạt động khá tốt trong đại dịch nhờ xu hướng mua sắm online. Họ đã huy động được khoảng 10 tỷ USD từ thị trường chứng khoán để cạnh tranh với Alibaba và các đối thủ khác.

Miami, 4/6: Hơn 12.000 người đã tham dự sự kiện được coi là hội thảo lớn nhất về Bitcoin trên toàn cầu, tổ chức trong 2 ngày. Năm nay thế giới cũng chứng kiến lượng nhà đầu tư tiền số nghiệp dư tăng mạnh. Họ được truyền cảm hứng từ mạng xã hội, cảm giác phiêu lưu và khả năng kiếm lời nhanh.

London, 6/9: Sau 18 tháng, các nhân viên môi giới mới được quay trở lại Sàn Giao dịch Kim loại London (London Metal Exchange). Đây là nơi thiết lập giá tham chiếu cho các hàng hóa như đồng hay nhôm. Nhân viên môi giới lấp đầy phần ghế ngồi màu đỏ, xếp thành hình vòng tròn nổi tiếng của sàn này được coi là biểu tượng cho việc cuộc sống quay về bình thường.

California 9/10: Số tàu hàng chờ bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach cho thấy rất rõ hiện trạng chuỗi cung ứng bị quá tải trên toàn cầu.

Lucknow, Ấn Độ, 13/10: Đường phố tại Ấn Độ đông đúc trở lại, khi nền kinh tế này hồi phục sau 2 đợt bùng dịch mạnh nửa đầu năm vì biến chủng Delta. Kinh tế Ấn Độ ổn định từ tháng 10, khi cả sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

New York, 21/10: Tòa tháp 3,3 tỷ USD Summit One Vanderbilt đông đúc trong ngày khai trương. Nơi này thu hút khá nhiều người thuê, trong đó có Carlyle Group và Oak Hill Advisors. New York, cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, đang nỗ lực mở cửa, thu hút khách du lịch và đầu tư nhằm hồi phục nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.

Hà Thu (theo Bloomberg, AP)