Theo báo cáo do Google, Temasek và Bain & Co mới công bố, nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Dự kiến vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%.
Cơ sở để hãng nghiên cứu đưa ra dự báo này là việc Việt Nam đã có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị. Chưa kể, 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người đã dùng các dịch vụ kỹ thuật số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ từ khi đại dịch xảy ra, và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%.
Kinh tế số với nền tảng là Internet - vốn không có giới hạn địa lý và khó có khả năng cạn kiệt giống như tài nguyên truyền thống, được nhận định, là giải pháp phục hồi kinh tế trước thách thức đại dịch.
Thể thao điện tử
Khái niệm thể thao điện tử (eSports) còn khá mới tại Việt Nam, nhưng trên thế giới, đây là cả một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh thu tỷ USD. Theo báo cáo của Newzoo, doanh thu từ thể thao điện tử toàn cầu sẽ tăng lên 1,084 triệu USD vào năm 2021, mỗi năm tăng trưởng 14,5%, từ 947,1 triệu USD vào năm 2020. Nguồn thu này chủ yếu từ quảng cáo, tài trợ, bản quyền trò chơi, bản quyền truyền hình và vé tham dự các trận đấu.
Trong đó, thị trường trò chơi điện tử Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 40 triệu người chơi, trong đó có 18 triệu người đã từng chơi các bộ môn eSports. Các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực có thể tận dụng số lượng người chơi và người theo dõi ngày càng tăng để thực hiện chiến dịch quảng cáo, cung cấp các sản phẩm bổ trợ cho trải nghiệm trò chơi, tài trợ giải đấu...
Tuy nhiên, các nhà phát hành game esports Việt Nam vẫn hạn chế, VNG là một trong số ít đơn vị có sức đối trọng. Theo đó, Việt Nam cần có cơ chế kích thích hơn nữa các nhà phát hành trong nước, tránh tình trạng thị trường này rơi vào tay các đại gia nước ngoài giống như thị trường quảng cáo, nội dung số.
Lý do khác khiến Esports nổi lên là vì việc tổ chức các giải đấu online không tốn kém và cũng không bị khó khăn giống như giải đấu offline. Đại diện bộ phận tổ chức sự kiện toàn cầu thuộc Riot Games cho biết, họ chỉ phải chi khoảng 100 triệu USD hàng năm để tổ chức các giải đấu liên minh huyền thoại trên toàn cầu. Bất chấp ảnh hưởng Covid-19, tựa game eSports này đã đem về cho công ty mẹ doanh thu đạt 1,75 tỷ USD trong năm 2020 (năm 2019, doanh thu tựa game này là 1,5 tỷ USD). Một số tựa game eSports lớn khác như DOTA 2 còn tổ chức các giải đấu theo hình thức kêu gọi tài trợ/đóng góp từ công chúng (crowd-funding) nên chi phí ban tổ chức bỏ ra chỉ rơi vào 2-3 triệu USD mỗi giải.
Hiện nay, số lượng thuê bao 3G/4G tại Việt Nam chiếm 53% số người sử dụng điện thoại di động. Cuối năm 2020, đồng loạt ba nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone đều đã chính thức triển khai thử nghiệm 5G, các thương hiệu smartphone cũng đã tích hợp chip 5G lên các mẫu điện thoại mới nhất. Đối với eSports, tốc độ kết nối của mạng 5G là yếu tố quan trọng trong việc nâng tầm trải nghiệm người chơi và xem các nội dung Esports.
Thương mại điện tử - Thanh toán điện tử
Năm 2020, giá trị thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đạt 62 tỷ USD, tăng 63% so với năm 2019. Tại Việt Nam, 44% người dùng lựa chọn mua sắm qua các sàn thương mại điện tử, theo Vietnam Digital Report 2021 - Adsota. Kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Kèm theo đó là sự phát triển của thanh toán trực tuyến với 30 triệu giao dịch không dùng tiền mặt được thực hiện mỗi ngày, tương ứng 15 triệu người Việt đang sử dụng dịch vụ thanh toán trên di động và dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Theo số liệu mới công bố từ ZaloPay, trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, tính năng mua hàng trực tiếp ngay trên tài khoản Zalo chính thức của các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đã đạt 10 triệu giao dịch.
Các ông lớn ngành ngân hàng cũng lựa chọn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để bắt kịp với sự thay đổi trong hành vi người dùng. Ngân hành Nhà nước cho biết, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam đã có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống nhưng đã tạo ra chất xúc tác cho nền kinh tế số phát triển. "Với lộ trình chuyển đổi số hợp lý và nhanh nhạy, Việt Nam có thể biến khủng hoảng thành cơ hội thành công, trở thành điểm sáng kinh tế trong khu vực và trên thế giới", đại diện VNG nhận định.
Phúc An