Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/4 thông báo GDP quý I nước này tăng 1,6% (đã hiệu chỉnh theo cơ sở năm). Tốc độ này bằng nửa quý cuối năm ngoái, thấp hơn dự báo và chậm nhất kể từ giữa năm 2022.
Nhập khẩu tăng mạnh phần nào kéo tụt tăng trưởng. Chi tiêu công và đầu tư trong lĩnh vực tư nhân giảm cũng gây sức ép lên GDP. Tiêu dùng - yếu tố đóng góp phần lớn vào GDP Mỹ - chậm lại đầu năm nay, nhưng vẫn là động lực tăng trưởng quý I.
Sau khi báo cáo GDP được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ mở cửa giảm 1-2%. Chốt phiên, mức này thu hẹp lại. DJIA hạ 1%, S&P 500 mất 0,5% và Nasdaq Composite là 0,7%.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng 3,4% trong quý I. Đây là mức cao nhất một năm qua. PCE lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) thêm 3,7%. Cả hai số liệu này cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed.
Jeffrey Roach - nhà kinh tế học tại LPL Financial cho rằng nền kinh tế tiếp tục chậm lại trong các quý tới, khi làn sóng chi tiêu sắp kết thúc. Tỷ lệ tiết kiệm đang giảm khi lạm phát dai dẳng gây thêm sức ép lên người tiêu dùng.
"Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi nhu cầu đi xuống, nhưng mục tiêu 2% vẫn xa vời", Jeffrey Roach nhận định.
Dù vậy, thị trường lao động vững mạnh là bệ đỡ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ Lao động Mỹ hôm 25/4 thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm trong tuần trước, về 207.000 đơn. Con số này cũng thấp hơn dự báo.
Nhà ở cũng có tín hiệu tích cực. Đầu tư vào lĩnh vực này tăng 13,9% trong quý I - cao nhất kể từ cuối năm 2020. Nguyên nhân là giá nhà và hoạt động xây nhà tăng, dù lãi suất cho vay vẫn cao.
"Đừng đánh giá thấp nền kinh tế Mỹ", Shannon Grein - nhà kinh tế học tại Wells Fargo kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)