Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố GDP quý II giảm 32,9% (đây là mức giảm dự phóng cho năm 2020 dựa trên số liệu GDP hai quý gần nhất). Con số này vẫn kém dự tính mức giảm 34,7% trước đó của các chuyên gia kinh tế do Dow Jones khảo sát. Dù vậy, đây vẫn là mức suy giảm lớn nhất từ năm 1947, theo Bloomberg.
Mức sụt giảm GDP quý II năm nay cao gấp gần 4 lần đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Khi đó, GDP Mỹ giảm 8,4% trong quý IV năm 2008.
"Số liệu cho thấy kinh tế bị rơi vào hố sâu và tối thế nào trong quý II. Chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó nhưng phải mất rất nhiều thời gian", Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận xét.
Suy giảm mạnh trong tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, đầu tư, chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương cùng tác động để kéo GDP đi xuống. Trong đó, tiêu dùng cá nhân - thường chiếm khoảng hai phần ba GDP giảm kỷ lục 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo CNN, các hoạt động kinh doanh ngưng trệ vì các biện pháp phong toả khiến Mỹ rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 11 năm. Bởi suy thoái thường được định nghĩa là hai quý liền GDP giảm, trước đó GDP Mỹ đã giảm 4,8% trong quý đầu năm. Đại dịch khiến chuỗi tăng trưởng kinh tế dài nhất của Mỹ chấm dứt và xoá sạch thành quả kinh tế 5 năm chỉ sau một vài tháng.
Tuy nhiên, đây không phải một cuộc suy thoái thông thường. Sự cộng hưởng giữa khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng và kinh tế là chưa từng thấy. Những con số không thể truyền tải đầy đủ những khó khăn mà hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt.
Hồi tháng 4, hơn 20 triệu việc làm tại Mỹ biến mất khi các doanh nghiệp đóng cửa. Đây là mức sụt giảm việc làm lớn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê hơn 80 năm trước. Các yêu cầu về trợ cấp thất nghiệp tăng phi mã.
Tú Anh (theo CNBC/Bloomberg/CNN)