Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Khi có một trong hai căn cứ nêu trên thì cha, mẹ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải phụ thuộc, suy xét vào ý nguyện của con khi con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Trong trường hợp xét thấy cả hai bên cha mẹ đều thiếu điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ đưa ra quyết định giao con cho người giám hộ căn cứ theo các quy định được ghi của Bộ luật dân sự.
Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau:
Người muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn phải gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi mà người kia cư trú, làm việc để được giải quyết theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thành phần hồ sơ gồm:
+ Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
+ Thỏa thuận đổi người trực tiếp nuôi con;
+ Bản án ly hôn;
+ Sổ hộ khẩu, CMND (bản sao có công chứng);
+ Giấy khai sinh của con (bản sao có công chứng);
+ Các căn cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nếu chồng cũ không đồng ý nhận nuôi hai cháu thì bạn có thể yêu cầu anh ấy tăng mức trợ cấp hằng tháng cho hai cháu.
Tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."
Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể, không có giới hạn của số tiền phải cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng và cả nhu cầu thiết yếu của con.
Điều này có nghĩa là, khi thu nhập của người phải cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của con - người được cấp dưỡng tăng thì mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh tăng theo.
Có 2 cách để yêu cầu được tăng mức cấp dưỡng nuôi con khi đã giải quyết xong việc ly hôn:
Cách 1: Thỏa thuận với người cấp dưỡng về việc tăng tiền cấp dưỡng nuôi con.
Cách 2: Nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội