"Chúng tôi hít phải khói khi nấu bằng bếp củi nhưng không còn lựa chọn nào khác", Karunawathi, 67 tuổi, nói. "Củi giờ cũng khó tìm và dần đắt đỏ".
Sri Lanka từng là quốc gia thu nhập trung bình, với GDP trên đầu người xấp xỉ Philippines. Nhưng với những sai lầm trong quản lý kinh tế và ngành du lịch bị ảnh hưởng vì Covid-19 đã khiến Sri Lanka nhanh chóng cạn USD để nhập khẩu hàng hóa.
Hiện giờ, giống như nhiều hàng hóa khác, gas là mặt hàng không có sẵn hoặc quá đắt với hầu hết người dân Sri Lanka. Một số người tìm cách chuyển sang dùng bếp dầu hỏa nhưng chính phủ quốc đảo cũng không thể nhập khẩu. Nguồn cung xăng và dầu diesel cũng khan hiếm. Những người mua nồi điện bị sốc vì chính phủ áp lệnh cắt điện kéo dài do không còn USD để nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện.
Giờ đây, những người thợ đốn gỗ như Selliah Raja, 60 tuổi, đang "ăn nên làm ra". "Chúng tôi từng chỉ có một khách là một nhà hàng có lò nướng đốt củi, nhưng giờ đây, chúng tôi không đáp ứng kịp nhu cầu", Raja cho biết.
Các nhà cung cấp gỗ cho ông tại các tỉnh đã tăng giá lên gấp đôi do nhu cầu sử dụng và chi phí vận chuyển tăng vọt.
"Trước đây, các chủ đất trả tiền để chúng tôi đốn hạ những cây cao su không còn năng suất", thợ đốn gỗ Sampath Thushara ở làng Nehinna chuyên trồng chè và cao su chia sẻ. "Giờ đây, chúng tôi phải trả tiền để nhận những cây đó".
Tìm gỗ trong những khu rừng đầy rắn và côn trùng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tuần trước, một người đàn ông ở miền trung Sri Lanka tử vong vì bị ong bắp cày đốt, 4 người phải nhập viện.
Doanh nhân Riyad Ismail, 51 tuổi, chứng kiến doanh số bán loại bếp củi công nghệ cao mà ông sáng chế năm 2008 tăng vọt. Ông lắp thêm một quạt điện chạy pin nhỏ nhằm thổi gió vào thân bếp, giúp tăng hiệu suất cháy, giảm khói và bồ hóng tạo ra so với bếp củi thông thường.
Dòng bếp cao cấp "Azstov" giá 50 USD và đại chúng "Janalipa" giá 20 USD, sử dụng than dừa (sản xuất từ gáo dừa khô) hứa hẹn tiết kiệm 60% so với nấu ăn bằng bếp gas. Hai sản phẩm này đều đắt hàng và người muốn mua phải vào danh sách chờ.
Bếp củi công nghệ cao rất thành công và đã có sản phẩm sao chép xuất hiện trên thị trường, Ismail cho biết.
Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka khả năng cao còn tiếp diễn trong thời gian dài. "Chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023", Thủ tướng Ranil Wickremesinghe phát biểu tại quốc hội Sri Lanka ngày 5/7. "Đó là sự thật. Đó là thực tế".
Lạm phát tại Sri Lanka hiện chỉ đứng sau Zimbabwe và có thể lên tới 60% vào cuối năm. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% người dân quốc đảo phải bỏ bữa vì không thể mua thực phẩm.
Ông Wickremesinghe cho biết các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hồi sinh nền kinh tế diễn ra "khó khăn", bởi Sri Lanka hiện ở vị thế một quốc gia vỡ nợ, không phải một quốc gia đang phát triển.
"Do đó, chúng ta phải đối mặt với tình huống khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các cuộc thương lượng trước đó".
Thủ tướng Wickremesinghe kỳ vọng có thể trình một báo cáo về tái cơ cấu nợ và bền vững lên IMF vào tháng 8. Nếu hai bên đạt thỏa thuận, một chương trình hỗ trợ cho vay toàn diện giai đoạn 4 năm sẽ được chuẩn bị. "Đây sẽ là một hành trình gian khó nhưng chúng ta có thể nhẹ nhõm phần nào ở cuối hành trình", ông nói.
Như Tâm (Theo AFP)