Trên tầng 9 một tòa nhà gần sân bay Kai Tak cũ của Hong Kong, võ sư Lam Shu-shing đang dạy cho một nhóm học viên. Ông đã dạy võ từ năm 1978. Tuy nhiên, truyền lại võ cho thế hệ kế tiếp đang là thách thức lớn nhất của Lam lúc này, khi số học viên ngày càng ít đi.
"Đây là thời kỳ tồi tệ nhất trong 40 năm dạy võ của tôi", Lam nói. Năm nay, ông đã gần 70 và vừa phải bỏ phòng tập vì không thể trả được tiền thuê. "Tôi không cho là tình hình Hong Kong sẽ sớm cải thiện đâu", ông nói.
Kinh tế Hong Kong vốn đã lao đao vì các cuộc biểu tình năm 2019, thì sang năm nay lại phải đối phó với Covid-19. Hiện tại, ngay khi các nền kinh tế khác bắt đầu tìm cách phục hồi bằng nới lỏng phong tỏa, biểu tình ở Hong Kong lại nổ ra, trong bối cảnh mối lo Covid-19 tái bùng phát vẫn còn. Đây là mối đe dọa kép, khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều ngần ngại.
Tình hình này đang làm dấy lên câu hỏi liệu trung tâm tài chính này sẽ phục hồi như thế nào? Hoặc thậm chí có thể phục hồi hay không?
Người đứng đầu cơ quan tài chính Hong Kong Paul Chan từng nhận định các thách thức kinh tế với Hong Kong là chưa từng có tiền lệ. Kể cả các trụ cột kinh tế của họ, như tài chính hay bất động sản, cũng đang có dấu hiệu yếu đi. Simon Smith - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn tại Savills cho biết bất ổn chính trị đang làm giảm nhu cầu của người mua Trung Quốc với bất động sản Hong Kong - vốn nổi tiếng đắt đỏ nhất thế giới.
"Đại dịch thực sự đã làm giảm khách Trung Quốc xuống gần như bằng 0. Bất ổn chính trị tái diễn chắc chắn sẽ khiến họ càng tránh xa", ông nói. Khách hàng giàu có từ Trung Quốc từng thống trị thị trường nhà ở cao cấp tại đây. Số liệu của Savills cho biết 10 năm qua, 60% người mua ngoài Hong Kong là từ Trung Quốc.
Các ngân hàng cũng đang cảm nhận sức ép. Francis Chan - nhà phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence cho biết rủi ro với những nhà băng như HSBC đang tăng lên, khi tình trạng suy thoái của Hong Kong kéo dài. Các hãng bảo hiểm và ngân hàng bán lẻ cũng bị thiệt hại, do đại dịch khiến nhu cầu đi lại giảm, kéo tụt lượng khách tiềm năng từ Trung Quốc.
Chịu thiệt hại nặng nhất đến nay vẫn là các hãng bán lẻ, khách sạn, quán bar và nhà hàng. Du lịch Hong Kong đã bị bóp nghẹt vì đại dịch. Từ nhiều tháng trước đó, khách Trung Quốc cũng đã ít lui tới đây vì bất ổn chính trị. Doanh số bán lẻ giảm kỷ lục hơn 40% trong tháng 3, trong khi số du khách giảm 99%.
Để xoa dịu tác động từ đại dịch, giới chức Hong Kong đã tung ra gói hỗ trợ 287,5 tỷ đôla Hong Kong (37 tỷ USD) năm nay. Con số này tương đương 10% GDP Hong Kong. Số tiền đã bao gồm hỗ trợ lương và trợ cấp tiền mặt 10.000 HKD cho tất cả thường trú nhân từ 18 tuổi trở lên.
Elaine Cheung - chủ cơ sở làm đẹp Elaine Beauty House gần đây đã mở cửa trở lại sau 28 ngày đóng theo lệnh phong tỏa. Cô đang gấp rút đáp ứng nhu cầu khách hàng khi còn có thể. "Điện thoại của tôi ngày nào cũng có tin nhắn của khách. Tôi phải nhanh chóng phục vụ nhiều người nhất có thể khi tình hình còn tương đối an toàn. Ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?", cô nói.
Giới chức cảnh báo Hong Kong có thể có năm tệ nhất từ trước đến nay, với GDP giảm 7%. Năm ngoái, GDP Hong Kong đã giảm 1-2% và quý I tiếp tục mất 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng 6 tháng liên tiếp. Còn các số liệu như niềm tin doanh nghiệp nhỏ hay chỉ số sản xuất đều ở mức thấp kỷ lục.
Max Traverse - chủ quán bar Honi Honi Tiki Cocktail Lounge đã mở cửa lại quán tuần trước. Dù tiền thuê mặt bằng được giảm đã giúp anh phần nào, Traverse vẫn phải giảm bớt nhân viên.
Đầu năm nay, trước khi đại dịch ập đến, việc kinh doanh của quán đã cải thiện rồi. Nhưng hiện tại, cũng như những người khác, anh lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu người biểu tình hoặc đại dịch quay trở lại. "Nếu đóng cửa lần nữa, Hong Kong sẽ hóa thành phố ma mất", anh nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)