"Kinh tế Đức một lần nữa bị đẩy đến bờ vực suy thoái", Claus Vistesen - Kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics nhận định. Trên lý thuyết, một nền kinh tế được coi là rơi vào suy thoái nếu GDP giảm hai quý liên tiếp.
Tiêu dùng giảm là nguyên nhân GDP quý III của Đức đi xuống. Mặt khác, đầu tư của các công ty vào máy móc, thiết bị lại tăng.
Các nhà kinh tế học cho rằng kinh tế Đức khó cải thiện sớm, khi ngành sản xuất khổng lồ của nước này vẫn còn vật lộn với nhu cầu yếu từ Trung Quốc, chi phí năng lượng cao và lãi suất tăng. Các hãng sản xuất của Đức đang sa thải nhân lực với tốc độ nhanh nhất 3 năm, do đơn hàng mới giảm. Khảo sát tuần trước cũng cho thấy niềm tin doanh nghiệp đang rất thấp.
"Kinh tế Đức đang mắc kẹt trong vũng lầy", Vistesen nhận định. Ông cho rằng nước này khó hồi phục trong quý IV.
Đức đã cận kề suy thoái suốt một năm qua. GDP nước này giảm quý cuối năm ngoái, sau đó chững lại quý I năm nay, theo số liệu điều chỉnh công bố hôm qua. Còn trước đó, ước tính sơ bộ cho thấy GDP giảm hai quý liên tiếp.
Dù vậy, lạm phát đã được cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này giảm đáng kể so với 4,3% trong tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu là giá năng lượng giảm mạnh so với mùa thu năm ngoái.
Số liệu GDP Đức cũng kéo tụt triển vọng của các nước khu vực đồng euro, do Đức là nền kinh tế lớn nhất nhóm này.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp. Nguyên nhân là lạm phát tại eurozone đã giảm mạnh và có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế yếu đi. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rủi ro tăng trưởng vẫn còn và xung đột Israel-Hamas khiến triển vọng giá năng lượng "khó dự báo".
Hà Thu (theo CNN)