Trước đó, chị Vân đi chữa ở một số bệnh viện. Hầu như tất cả đều kết luận, vợ chồng chị không có vấn đề gì. Nguyên nhân "muộn con" chỉ là lo lắng thái quá hay giao hợp không đúng ngày. Tuy nhiên, nhiều lần làm theo cách của bác sĩ, vợ chồng chị vẫn chưa được toại nguyện.
Gần đây nhất, chị Vân đi khám ở một bệnh viện trung ương. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận nguyên nhân gây vô sinh ở vợ chồng chị đích thị là do rối loạn kinh nguyệt. Uống thuốc Đông y, vòng kinh của chị đều trở lại.
"Kinh nguyệt của tôi có tháng lên, tháng xuống nhưng nhìn chung tháng nào cũng có. Màu kinh xấu, nhiều khi có cục máu đông. May thay khi uống thuốc, vòng kinh đi vào chu kỳ. Sau 3 tháng chữa trị, vợ chồng tôi đã có tin vui", chị Vân cho biết.
Giống như vậy, sau khi sinh xong con gái năm 22 tuổi, chị Nhung (35 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) bị "tịt", chẳng thể có con lại. Đi khám, chị không hề bị tắc buồng trứng hay các nguyên nhân gây vô sinh thứ phát khác.
"Sau khi sinh, tôi thấy vòng kinh của mình thất thường và ngày hành kinh giảm hẳn so với thời con gái. Chẳng ngờ vì nguyên nhân này mà chạy chữa nhiều năm chưa được", chị Nhung cho biết.
Lương y Vũ Quốc Trung - người từng chữa nhiều ca vô sinh cho biết, kinh nguyệt là một phần không thể tách rời của người phụ nữ, vừa giữ chức năng sinh lý, vừa có chức năng sinh sản. Tuy nhiên, hầu như nhiều bạn gái trẻ không nhận thấy được tầm quan trọng của chu kỳ kinh nguyệt và xem chuyện mình bị rối loạn kinh nguyệt là bình thường, không chú ý.
Một cô gái tên Thúy, 22 tuổi, Hà Nam, đang là sinh viên đại học năm cuối thậm chí cảm thấy vui mừng vì không hành kinh. Thúy nhận định trước nay vòng kinh của cô thường đến muộn. Có tháng muộn 5, 15, 20 ngày, đôi khi cũng có tháng chuẩn.
Mỗi lần Thúy hành kinh, lượng máu mất khá nhiều.Với người bình thường, một ngày hành kinh chỉ cần thay 3 - 4 miếng băng thì gần như mỗi ngày Thúy phải dùng gấp đôi số ấy."Bị 'đèn đỏ' phải chịu cảm giác đau đớn, khó chịu mấy ngày, lại còn tốn tiền nữa. Thà chẳng bị còn thấy vui", cô gái này nói.
Tương tự, Nguyệt (20 tuổi, Hải Phòng) gần đây đi khám mới biết nguyên nhân khiến mặt mình luôn nổi mụn, mắt quầng thâm không phải do dậy thì như trước nay cô vẫn tưởng mà do bị bế kinh.
"Lúc dậy thì, mặt em thường xuyên bị mụn khiến em mặc cảm với bạn bè. Mẹ em bảo đang tuổi lớn nên vậy, lúc trưởng thành sẽ mất. Chỉ đến cuối năm ngoái có điều kiện đi khám em mới biết thủ phạm khiến em xấu xí là kinh nguyệt", cô gái có vòng kinh một năm... 2 lần chia sẻ.
Theo lương y Trung, trong vòng 1 - 2 năm đầu khi mới hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt thất thường là do chức năng buồn trứng chưa hoàn thiện. Nhưng sau đó, kinh nguyệt sẽ đi theo chu kỳ. Bình thường chu kỳ kinh nguyệt từ 28 đến 30 ngày. Những người khỏe mạnh có kinh màu đỏ thẫm, kéo dài 3 đến 5 ngày, không có lẫn huyết khối (hạt máu đông) hay bạch đới (nhớt trắng).
Ngược lại, tất cả các trường hợp kinh nguyệt không có chu kỳ, kinh đến sớm, đến muộn, rong kinh, bế kinh ... đều là rối loạn kinh nguyệt. Trong y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này là do cả tác nhân bên trong và bên ngoài như thời tiết thay đổi, ăn uống thất thường, tình cảm, tinh thần không tốt... Còn trong y học hiện đại, nguyên nhân gây rối loạn là do hoóc môn bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng.
Lương y Quốc Trung cho biết hậu quả nghiêm trọng nhất do rối loạn kinh nguyệt là có thể gây ra vô sinh, hiếm muộn. "Đã có nghiên cứu tại Việt Nam chỉ ra, phụ nữ có vòng kinh không đều sẽ có nguy cơ bị vô sinh cao gấp 1,2 đến 1,3 phụ nữ có kinh nguyệt đều", vị này cho biết.
Ông Vũ Quốc Trung lý giải, với phụ nữ khỏe mạnh, ngày rụng trứng sẽ dễ dàng tính được theo phương pháp Aquino, thường rơi vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh. Ví dụ ngày có kinh đầu tiên là "n", thì ngày rụng trứng là "n-14". Tính được ngày rụng trứng sẽ là ngày dễ thụ thai nhất.
Tuy nhiên với chị em không đều, sẽ khó khăn trong việc tính toán. Nhất là khi, mỗi tháng chỉ có 1 trứng rụng vào ngày thứ 14, và trứng này tối đa chỉ sống được trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm rụng. Thêm vào đó, rối loạn kinh nguyệt liên quan đến nội tiết, độ dày của niêm mạc tử cung, một số bệnh phụ khoa. Chính vì vậy, rối loạn kinh nguyệt mà điển hình là việc hành kinh không đều chính là tín hiệu khó thụ thai.
Lương y Trung khuyên bình thường, chu kỳ kinh nguyệt không có điểm bất thường, sai lệch 1, 2 ngày là chuyện bình thường, không đáng lo ngại. Nhưng một khi bạn bị sớm/muộn trên 7 ngày, chu kỳ kinh kéo dài 7 ngày trở lên, hoặc kinh thưa thì tốt nhất nên đi khám càng sớm càng tốt. Bởi lẽ nếu để lâu, rối loạn kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như chức năng sinh sản sau này. Nó là nguyên nhân phổ biến nhất trong các nguyên nhân gây ra hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây trên 1.000 phụ nữ châu Á có đến một nửa số người được hỏi lầm tưởng rằng một phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt vẫn có khả năng sinh sản. Tại Việt Nam, số chị em lầm tưởng chuyện này còn chiếm tỷ lệ cao hơn, tới 60%.
Phan Dương