Bị teo cơ một bên chân do di chứng sốt bại liệt từ năm ba tuổi, thể thao đỉnh cao tưởng như xa xỉ với Quang Thoại. Nhưng từ chỗ tìm đến môn bơi để cải thiện sức khỏe, kình ngư gốc Ninh Thuận đã có thể thực hiện ước mơ trở thành HLV dạy bơi cho các em nhỏ. Anh còn giành HC vàng quốc gia và đại diện cho Việt Nam dự Paragames 2023 tại Campuchia.
Thoại bắt đầu học bơi một cách nghiệp dư từ năm 2020, khi đã ngoài 30 tuổi. Chàng trai sinh năm 1987 tự học qua các video trên YouTube, rồi đến trung tâm thể thao để xin tập cùng. "Bơi với một chân thật sự rất khó. Tôi phải làm quen với việc chỉ dùng lực từ hai tay. Nhưng đây là thử thách thú vị. Càng tập, tôi càng thấy môn bơi hợp với mình", Thoại kể. Chỉ vài tháng sau, anh giành bốn HC bạc tại Giải bơi Người khuyết tật toàn quốc.
Thành công đến như một phép màu, tiếp thêm cho Thoại động lực và niềm tin. Anh nghỉ việc để theo đuổi bơi một cách nghiêm túc, miệt mài tập luyện, bơi hàng km mỗi ngày bất kể nắng mưa. Năm 2022, Thoại tiếp tục giành hai HC vàng, 3 HC bạc tại Giải bơi Người khuyết tật toàn quốc. Một năm sau, nỗ lực của anh được ghi nhận với tấm vé tham dự Paragames tại Campuchia. Tại giải đấu này, Thoại mang về bốn HC đồng cho Việt Nam.
Tuy được tham dự giải đấu quốc tế đầu tiên trong đời, và được nhiều người biết tới, Thoại chưa thỏa mãn mà muốn tiếp tục thử thách bản thân. Tháng 6/2024, anh khiến bạn bè, người thân lo lắng khi đăng ký Lý Sơn Cross Island - cuộc thi bơi 5km vượt biển Lý Sơn. Đây là cuộc đua có độ khó cao với những dòng chảy ngầm mạnh và nhiều sứa biển bám vào người.
"Tôi muốn vượt qua những thử thách mà người bình thường có thể làm được. Tôi luôn giữ suy nghĩ này. Tôi tự tin là kỹ năng sinh tồn dưới nước của mình rất tốt. Đặc biệt là vấn đề tâm lý. Đây là yếu tố rất quan trọng trong môn bơi vì một khi bị căng cứng sẽ khó xử lý những tình huống dưới nước", Thoại chia sẻ.
Trong 350 VĐV cuộc thi tại Lý Sơn, chỉ 11 VĐV hoàn thành cuộc đua, và Thoại là một trong số đó. Là VĐV khuyết tật duy nhất tham gia giải, anh đã vượt qua nhiều VĐV chuyên nghiệp, thậm chí cựu tuyển thủ quốc gia. "Tôi cảm thấy lâng lâng khi băng về đích", anh nói.
Không chỉ là chiến binh trên đường đua xanh, Thoại còn là người thầy tận tâm. Anh dành thời gian dạy bơi miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ, khó khăn tại Mái ấm Thiên Thần tại phường Long Phước (TP Thủ Đức) và quê nhà Ninh Thuận. Trên tinh thần "thầy làm được thì trò cũng làm được", anh muốn mang đến cho các em một kỹ năng sinh tồn, thậm chí cơ hội trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thoại là hình ảnh ba bà cháu ở quận 8, TP HCM, ngày nào cũng đi hai tuyến xe buýt để đến lớp học. "Ba tháng liền, ngày nào mấy bà cháu cũng đến lớp, khiến tôi thực sự cảm động", Thoại chia sẻ.
Tại DNSE Aquaman Việt Nam 2024, Thoại và cộng sự Lương Ngọc Duy mang theo bảy học trò, trong đó có các em từ Mái ấm Thiên Thần. Anh muốn cho các em trải nghiệm không khí ở một giải đấu lớn, xem cách các VĐV chuyên nghiệp chuẩn bị và thi đấu để học hỏi.
Ngoài dạy bơi, Thoại còn tham gia các sự kiện bơi lội gây quỹ phòng chống đuối nước, phẫu thuật hở hàm ếch... "Tôi không có nhiều vật chất, nên dùng thể chất để giúp đỡ mọi người. Ước mơ của tôi là tất cả trẻ em đều biết bơi, để không còn những vụ đuối nước thương tâm", anh nói.
Theo anh Thoại, sự phát triển của những giải thể thao phong trào hiện nay mở ra cơ hội cho những VĐV khuyết tật như anh có thể cạnh tranh công bằng với người khác. Anh cho rằng đó là con đường thiết thực để cộng đồng thay đổi cái nhìn, xóa bỏ sự phân biệt đối xử với những người khuyết tật tham gia thể thao và thi đấu chuyên nghiệp như mình.
"Tôi nghĩ là trong các cuộc đua thể thao, không nên có ưu tiên đặc biệt cho người khuyết tật. Có lần, tôi tham gia một giải bơi 10km trên biển và đạt top 2 lứa tuổi. Nhưng tới khi trao giải, ban tổ chức lại không kêu tên mà trao cho tôi giải truyền cảm hứng. Điều đó làm tôi hụt hẫng. Tôi cũng tham gia như mọi người nhưng lại không được đứng bục chung. Đó mới là phân biệt và không công bằng", anh Thoại bày tỏ.
Quang Huy