Vợ chồng vận động viên bơi lội Nguyễn Hồng Lợi là khách mời trong sự kiện tại Bảo tàng Áo dài (quận 1, TP HCM), hôm 14/11. Anh đến sớm, chọn một góc để thỏa sức ngắm những tà áo qua các thời kỳ được trưng bày khắp gian phòng. Chỉ khi vợ khẽ nhắc, Lợi mới bừng tỉnh, vội tiến đến hàng ghế giao lưu. Dù khuyết tật bẩm sinh với đôi chân cụt quá gối, chỉ còn tay trái lành lặn, chàng trai 33 tuổi vẫn di chuyển thoăn thoắt. Gương mặt anh rạng rỡ khi cùng vợ hồi tưởng mối duyên nhờ tình yêu dành cho áo dài.
Cả hai gặp nhau tháng 9/2018 tại một buổi triển lãm áo dài của Hội mỹ thuật TP HCM. Tường Nghĩa giới thiệu bộ sưu tập tự vẽ để gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em khuyết tật. Hồng Lợi lúc ấy mang chân giả, mặc bộ áo dài truyền thống, tự tin phát biểu giữa sự kiện. Giữa đám đông, ánh mắt Nghĩa chỉ hướng về chàng trai có khuôn mặt tuấn tú, phong thái đĩnh đạc. Về nhà, lên mạng tìm hiểu, cô thêm khâm phục cách Hồng Lợi luôn vươn lên trong cuộc sống.
Sinh ra với cơ thể nhiều khiếm khuyết, từ bé, Hồng Lợi được gia đình gửi vào làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật thuộc bệnh viện Từ Dũ. Năm 18 tuổi, khi tập thể thao để rèn sức khỏe, anh nhớ đến thuở bé, nhà ở gần sông Sài Gòn, mỗi lần đi học, bán vé số phải qua đò. Chàng trai thường nghĩ: "Lỡ bị lật ghe thì sao", và quyết định theo đuổi môn bơi lội. Trải qua quá trình rèn luyện, anh dần đoạt nhiều giải cao ở các kỳ thi đấu, như huy chương vàng ở nội dung bơi 400 m tại Đại hội thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc 2010, huy chương đồng tại Asean Para Games 2014... Khi đã là một kình ngư thành danh, Hồng Lợi nghĩ đến việc chọn một nghề lâu dài hơn để nuôi sống bản thân.
Đam mê vẽ áo dài đến với anh trong một lần dự sự kiện triển lãm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, do nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng tổ chức. Thấy anh có năng khiếu hội họa, Sĩ Hoàng khuyến khích anh theo đuổi sở thích và dặn: "Sau này có khó khăn gì, cứ đến tìm thầy". Nhớ đến lời hứa của nhà thiết kế, vài năm sau, anh tới công ty Sĩ Hoàng để học vẽ. Anh cho biết: "Lúc ấy, thầy dường như không hề để tâm đến những khiếm khuyết trên cơ thể tôi, mà chỉ ủng hộ, không quên dặn trước: nghề này dễ gây nhụt chí vì đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ rất cao". Từ những bước phác thảo nguệch ngoạc ban đầu, sau thời gian trau dồi, chỉ bằng một tay, Hồng Lợi cho ra đời những mẫu áo dài vẽ thủ công đầu tiên. Cùng lúc đó, anh gặp họa sĩ nhà thiết kế Tường Nghĩa - người anh sẽ thề nguyện gắn bó suốt quãng đời về sau.
Trước khi gặp Tường Nghĩa, Hồng Lợi từng nghĩ anh sẽ không kết hôn, sinh con. Chuyện tình dần chớm nở khi họ bắt đầu liên lạc qua mạng xã hội. Sau lần hẹn hò đầu tiên, anh thêm trân trọng cô gái đến từ vùng quê nghèo của Kon Tum, tự lập giữa đất Sài Gòn bằng tình yêu dành cho áo dài thủ công. Hàng ngày, anh giúp cô phác thảo từng nét vẽ, kết thủ công những bông hoa để gắn lên áo dài thành họa tiết nổi 3D. Trong gian phòng trọ của Tường Nghĩa, những trang phục làm chung của đôi tình nhân dần ra đời. Anh còn là "shipper" không công, phụ cô giao hàng trên chiếc xe ba bánh. Tình cảm ngày một lớn dần, họ quyết định tổ chức đám cưới hồi tháng 10.
Tại sự kiện, vợ chồng Hồng Lợi quyên tặng Bảo tàng một bộ áo dài phom truyền thống với họa tiết hoa mẫu đơn. Tường Nghĩa nói trang phục không phải là tác phẩm kỳ công hay tâm đắc nhất của vợ chồng cô, mà mang một ý nghĩa đặc biệt: đánh dấu chuyện tình của họ từ những ngày đầu. Ngắm áo dài, cô nhớ thời gian chật vật khi họ mới quen nhau. Lúc đó, cô còn ở trọ, mỗi lần vẽ áo phải trải lên chiếc bàn nhỏ - thay vì dùng khung như những họa sĩ chuyên nghiệp, hoa văn do đó không được sắc nét như mong muốn. Vợ chồng tự hào khi chiếc áo được Bảo tàng chọn làm hiện vật trưng bày, bởi đó là thành quả tượng trưng cho chuỗi ngày phấn đấu miệt mài của họ. Với Hồng Lợi, vẽ áo dài còn giúp bản thân tĩnh tại hơn sau chuỗi ngày cật lực tập luyện bơi lội. Anh như bỏ lại những ồn ào của các kỳ thi đấu, những lần xuất hiện trước đám đông để lắng mình với cây cọ, hộp màu nước.
Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài TP HCM - quen Hồng Lợi từ thời điểm anh mới vào làng Hòa Bình. Nhìn khuôn mặt lanh lợi, đôi mắt thông minh của cậu bé lúc ấy, bà tin chắc anh sau này sẽ làm nên chuyện. Bà cho biết chọn áo dài của vợ chồng anh làm hiện vật trưng bày vì câu chuyện của Lợi truyền cảm hứng. Bà nói: "Tình yêu của Lợi và Nghĩa - mà hiện thân là chiếc áo dài mộc mạc này - giúp người ta tin rằng chuyện cổ tích luôn xảy ra ở đời thực".
Tại sự kiện, Bảo tàng cũng tiếp nhận những bộ áo dài từ các nhà giáo dục, hoạt động văn hóa, như nhà giáo Nguyễn Bình Minh - cựu giảng viên trường Văn khoa Sài Gòn (cũ), sưu tầm áo dài từ năm 12 tuổi; nghệ sĩ Hồng Oanh - người chuyên đi tìm các làn điệu ví, giặm bị thất truyền; bà Nguyễn Phương Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao... Chương trình nhằm hưởng ứng Lễ hội Áo dài 2020, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
Mai Nhật