Độc giả Trịnh Hằng (ngoài 40 tuổi, Hà Nội), đã đi du lịch tự túc hàng chục quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm làm visa vào Italy cho chuyến đi đầu năm 2024.
Italy nằm trong khối Schengen, là một trong những quốc gia đông khách du lịch nhất châu Âu. Tuy nhiên, theo thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch, xin visa Italy có tỷ lệ thành công thấp. Nhưng với mong muốn dành hết thời gian chuyến đi cho việc chỉ khám phá Italy, chúng tôi chủ động xin visa Schengen để vào nước này. Kết quả là chúng tôi được cấp visa vào Italy và không gặp vướng mắc nào.
Tìm hiểu thông tin, lên lịch trình chuyến đi
Tìm hiểu thông tin là công việc quan trọng nhất. Để đi Italy, bạn hãy đọc các quy định về visa trên website chính thức của đại sứ quán nước này tại Việt Nam và chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của VFS (đầu mối chính thức được chỉ định để nhận và trả kết quả hồ sơ visa Italy) tại đây. Các website này đều có tiếng Anh và tiếng Việt.
Tiếp theo, hãy dành thời gian lên lịch trình chuyến đi. Lịch trình là một trong những tài liệu quan trọng nhất của bộ hồ sơ xin visa. Người xét duyệt nhìn vào lịch trình và có thể đánh giá mức độ nghiêm túc của bạn, xem mục đích thật sự của việc xin visa có phải là đi du lịch hay không. Lịch trình càng cụ thể thì càng được đánh giá cao, Italy phải là điểm đến chính trong hành trình (thời gian ở Italy phải chiếm đa số so với các quốc gia khác, nếu có).
Lịch trình của chúng tôi thường bao gồm rất nhiều thông tin: bay sang Italy bằng chuyến bay nào, ngày nào, mấy giờ, khách sạn ở đâu, địa chỉ, điện thoại của khách sạn, các địa điểm du lịch, website, giá vé, giờ mở cửa từng địa điểm, cách di chuyển tới đó (tàu, xe buýt, taxi hay xe đạp), bay trở về Việt Nam bằng chuyến nào, ngày nào, mấy giờ. Bạn cũng có thể lên lịch trình giản lược hơn, nhưng càng chi tiết sẽ càng đáng tin cậy.
Dĩ nhiên lịch trình này không nhất thiết phải trùng khớp 100% với chuyến đi sau này, nhưng phải rành mạch và có khả năng thực hiện được. Ví dụ, trong cùng một ngày mà bạn lên lịch đi 2-3 thành phố thì chắc chắn không hợp lý, hoặc giữa hai thành phố cách nhau 500 km hoặc chỉ dành một giờ để di chuyển thì cũng không ổn. Bạn có thể tham khảo lịch trình của những người có kinh nghiệm và hãy đảm bảo yếu tố minh bạch, hợp lý trong kế hoạch.
Đặt phòng, mua vé máy bay, công chứng hồ sơ
Sau khi xây dựng lịch trình, hãy đặt vé máy bay khứ hồi theo đúng ngày giờ đã ghi trong lịch trình. Nếu bạn đi thêm các quốc gia khác ngoài Italy, hãy đặt cả vé máy bay hoặc vé tàu cho các hành trình đó. Bạn không cần thanh toán vé máy bay, chỉ cần đặt chỗ (booking) và in vé trong email bản tiếng Anh.
Tương tự, bạn mua bảo hiểm du lịch dành cho khu vực Schengen đúng với số ngày của chuyến đi và số người cùng xin visa với bạn, mức bảo hiểm tối thiểu 30.000 euro một người, đồng thời đề nghị hãng bảo hiểm gửi cho bạn ít nhất hai bản giấy chứng nhận (thường là song ngữ).
Vào những ứng dụng phổ biến như Booking.com, Agoda.com, Airbnb để đặt phòng khách sạn mà bạn sẽ đến theo lịch trình. Bạn hãy chọn cơ sở lưu trú cho phép thanh toán sau, và cho phép hủy phòng miễn phí. Lưu ý rằng việc đặt phòng cũng phải hợp lý: ngày giờ check-in, check-out khớp với lịch trình, địa điểm lưu trú không quá xa địa điểm tham quan. Không cần thanh toán tiền phòng, bạn chỉ cần in email xác nhận.
Đối với các giấy tờ cá nhân, hãy công chứng và đính kèm bản dịch tiếng Anh hoặc Italy. Những giấy tờ không công chứng, đại sứ quán không tiếp nhận.
Chuẩn bị ảnh thẻ chụp trong vòng 3 tháng theo quy định về kích cỡ và các chi tiết. Ảnh thẻ khá quan trọng trong hồ sơ, nếu bạn nộp ảnh không đúng chuẩn, VFS sẽ yêu cầu bạn chụp lại ảnh khác.
Hoàn thiện hồ sơ và đặt lịch hẹn
Bạn hoàn thiện hồ sơ xin visa du lịch theo yêu cầu của Đại sứ quán Italy theo danh mục trên website chính thức, cụ thể như sau:
Đơn xin visa: download mẫu trên website VFS và điền đầy đủ thông tin (có thể viết tay hoặc đánh máy), dán ảnh thẻ và ký vào đơn, không cần đóng dấu hoặc công chứng. Với những khoản mục bạn băn khoăn không biết phải điền thế nào thì hãy để trống, nhân viên của VFS sẵn sàng giải thích cho bạn để bạn điền đúng khi đến nộp hồ sơ.
Hộ chiếu: bản gốc còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày visa hết hạn và còn ít nhất 2 trang trắng; một bản photocopy hộ chiếu (không cần công chứng). Nếu có các hộ chiếu cũ, bạn hãy nộp kèm bản photocopy vì lịch sử đi lại trước đây rất quan trọng trong việc đánh giá uy tín của bạn.
Bản photocopy giấy chứng nhận bảo hiểm du lịch Schengen mà bạn đã mua.
Hai ảnh thẻ 4x6 cm theo chuẩn ICAO (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) mới chụp trong 3 tháng.
Lịch trình chuyến đi.
Đặt chỗ vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn. Hãy in email xác nhận đặt chỗ bằng tiếng Anh, không cần đóng dấu hay công chứng.
Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính: bản gốc (có tiếng Anh) sao kê tài khoản ngân hàng 6 tháng gần nhất và được làm sát ngày nộp hồ sơ, có dấu đỏ của ngân hàng. Nếu bạn nhận lương qua tài khoản thì bạn cần sao kê tài khoản nhận lương.
Các trường hợp không nhận lương qua tài khoản nhưng vẫn nộp bản sao kê tài khoản tiêu dùng của bản thân được chấp nhận. Nếu có các tài sản khác, bạn hãy nộp kèm để chứng minh khả năng tài chính. Bạn chỉ cần chứng minh mình có đủ khả năng tự chi trả cho chuyến đi và có đời sống tài chính ổn định tại Việt Nam. Không nhất thiết phải thể hiện mình giàu có hoặc thu nhập cao.
Giấy tờ chứng minh bối cảnh xã hội: bản sao công chứng sổ bảo hiểm xã hội, bản gốc hoặc bản sao công chứng hợp đồng lao động, bảng lương 6 tháng gần nhất, giấy chứng nhận nghỉ phép, bản sao công chứng quyết định về hưu, thẻ hưu trí, sổ lương hưu (với người lớn tuổi).
Sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu quan trọng nhưng nếu không có, bạn vẫn có thể chứng minh bối cảnh xã hội bằng những giấy tờ khác. Đối với học sinh, sinh viên, đại sứ quán yêu cầu nộp bản sao công chứng thẻ học sinh / sinh viên, bản gốc thư xác nhận có đóng dấu của trường học (có tiếng Anh), thư đồng ý cho phép nghỉ học. Nếu bạn không thể lấy được các giấy tờ này, hãy đưa vào hồ sơ tất cả những giấy tờ cho thấy bạn đang đi học ổn định, lâu dài tại Việt Nam như: thẻ đoàn viên, thẻ đội viên, thẻ thành viên các câu lạc bộ mà bạn tham gia, giấy báo trúng tuyển, giấy xác nhận nhập học, giấy khen, bằng khen. Nếu không đi học, đi làm tại một cơ sở cố định, hoặc không có sổ bảo hiểm xã hội, hãy tự viết một bản giải trình về bối cảnh sống và nguồn thu nhập.
Giấy tờ chứng minh nhân thân: bản sao công chứng sổ hộ khẩu kèm bản dịch tiếng Anh. Trẻ em dưới 18 tuổi không có đầy đủ người giám hộ đi cùng (bố và mẹ) thì người giám hộ không tham gia chuyến đi cần trực tiếp đến đại sứ quán để ký giấy đồng thuận cho phép con đi du lịch, đồng thời nộp bản sao công chứng giấy khai sinh của trẻ, bản sao công chứng căn cước công dân của người giám hộ, và nộp lệ phí 550.000 đồng cho việc ký giấy đồng thuận.
Nên tự viết tay một thư trình bày nguyện vọng bằng tiếng Anh, nói rõ lý do vì sao bạn muốn đến Italy và khẳng định trở về sau chuyến đi. Bạn cũng có thể liệt kê các quốc gia từng đi để tăng độ tin cậy. Nội dung thư cần trung thực, ngắn gọn, và khớp lịch trình.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, hãy vào website VFS đặt lịch hẹn. Bạn có thể thay đổi lịch nếu có việc đột xuất. Italy cho phép nộp hồ sơ trong vòng 6 tháng trước ngày khởi hành. Bạn nộp hồ sơ càng sớm càng tốt vì ở Italy có nhiều điểm du lịch kín chỗ trước 1-2 tháng, nếu bạn xin visa sát ngày sẽ khó mua được vé tham quan. Hiện VFS có văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Lệ phí visa Italy hiện là 80 euro (khoảng 2 triệu đồng), và phí dịch vụ của VFS Global là 237.000 đồng. Nếu bạn chọn dịch vụ chuyển phát hộ chiếu về tận nhà sau khi có kết quả visa thì phí là 80.000 đồng. Lệ phí visa của trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi là 40 euro, trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí.
Thời hạn nhận kết quả visa thông thường là 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ.
Trịnh Hằng