Bất kỳ môn học nào, để học tốt cũng có thể là dễ nhưng cũng thật là khó nếu chúng ta không tìm hiểu kinh nghiệm và phương pháp để học và thi.
Nếu với ban A là sự tư duy lôgic của những con số thì khối C lại là sự tư duy lô gic của những dòng chữ, lời văn.
Riêng trong khối C, mỗi môn lại có những cách học khác nhau, với môn lịch sử cũng vậy, lịch sử là dòng chảy của những sự kiện những cột mốc thời gian khác nhau. Ở đó bạn phải có sự ghi nhớ, không phải là ghi nhớ một cách mơ hồ mà lịch sử đòi hỏi tính chính xác.
Chính vì vậy để học tốt bộ môn lich sử cần phải có những phương pháp và kinh nghiệm học hợp lý về tâm lý và thời gian. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm để học và thi môn lịch sử.
Về tâm lý
Trong khi học đừng nên tạo cho mình quá nhiều áp lực, thường thì khi thấy quá nhiều sự kiện và thời gian thì các bạn cảm thấy nản và không muốn học, càng như vậy bạn sẽ học không tốt bộ môn này.
Hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái khi học, học không chỉ để thi mà còn để biết, để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về lịch sử xã hội. Vì những kiến thức lịch sử cũng là điều rất đáng để khám phá đấy.
Về kiến thức
Cần phải đọc kỹ đọc nhiều lần để ghi nhớ, người ta bảo văn ôn võ luyện. Nếu những gì đập vào mắt nhiều lần thì ta sẽ càng nhớ sâu. Trong quá trình học cần phải biết phân tích tổng hợp, nhìn nhận một vấn đề, các sự kiện lịch sử trong một chỉnh thể, học sự kiện này thì ta cần phải liên tưởng đến sự kiện trước và sau nó.
Tuy nhiên không nên chỉ học theo kiểu ghi nhớ mà không có sự tư duy. Nếu bạn cho rằng học khối C nói chung, lịch sử nói riêng chỉ cần nhớ là đủ thì suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.
Trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học luôn cần các thí sinh có khả năng phân tích tổng hợp đánh giá dựa trên sự ghi nhớ một cách chính xác về lịch sử, đối với mỗi dạng bài bạn cần chuẩn bị cách làm bài phù hợp ở các thể loại khác nhau, như chứng minh hay so sánh. Khi nhìn nhận một vấn đề phải dựa vào bối cảnh lịch sử chung, có thể là trong nước hoặc thế giới.
Hiện nay các tài liệu tham khảo cho môn lịch sử cũng khá nhiều nhưng bạn cần phải đọc và tiếp cận với những nguồn tin chính thống, có thể đọc qua sách vở với các nhà xuất bản uy tín hoặc cũng có thể học bằng cách xem các phương tiện thông tin đại chúng để biết thêm.
Về thời gian học
Cần phải có thời gian học hợp lý, lúc cảm thấy mệt không thể tập trung thì bạn hãy giành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, đừng ép bản thân học trong khi tâm lý bị gò bó áp lực, tuy nhiên sau khi giải lao ban phải vào guồng và học một cách nghiêm túc.
Về phương pháp học
Ngoài niềm đam mê yêu thích thì để học tốt lịch sử bạn cần có cho mình những phương pháp học phù hợp, với mỗi bạn có thể có những phương pháp khác nhau miễn sao là có hiệu quả.
Vì vậy, bạn có thể tự sáng tạo cho mình các cách học riêng, khi làm bài cần đọc kỹ câu hỏi, xác định đề yêu cầu những gì và mình sẽ triển khai ý trong đề ra như thế nào, tránh dài dòng lan man. Sau đây là 1 số gợi ý phương pháp học để các bạn tham khảo.
1. "Phân tán lực lượng địch": chia các bài học thành các giai đoạn, liệt kê các vấn đề chính của từng giai đoạn rồi bắt đầu "chiến đấu" từng chút một. Mỗi ngày 1 phần hoặc nhiều hơn cũng được.
2. "Đánh chắc thắng chắc": học bài nào dù cho có khó đến mấy cũng phải học cho xong, không được bỏ cuộc, xong bài nào là dứt điểm bài đó.
3. "Có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập tự do”: học tập kiên trì và không để các ứng dụng của cuộc sống hiện đại quấy nhiễu như mạng xã hội, game...Những khi mệt mỏi, hãy nấu một bữa ăn, đọc 1 cuốn truyện, hoặc là đi long nhong trong xóm chơi... khuây khỏa rồi học tiếp.
4. Học các diễn biến thì nên vẽ sơ đồ ra, rồi đọc lại như tự kể chuyện cho người khác nghe, không cần vẽ đẹp, chỉ cần giúp cho bản thân hình dung được nó đánh nhau ở đâu, tấn công đường nào, rồi rút đường nào.
5. Học các con số ngày tháng thì chỉ cần nhớ những ngày tháng năm quan trọng, còn các thời điểm khác thì nhớ "tương đối", tối thiểu là cuối hoặc giữa hoặc đầu tháng là được rồi.
6. Dùng sơ đồ tự vẽ để học diễn biến, dùng sơ đồ nhánh để học chi tiết các hoạt động, âm mưu, ý nghĩa, ... Học từ khóa trước rồi học cả nội dung của đoạn đó....Học từng bài xong, nắm chắc các sự kiện thì mới "bon chen" làm các câu đối chiếu, so sánh, phân tích, …
7. Hãy thường xuyên kiểm tra kiến thức lịch sử của mình đến đâu bằng cách làm những đề năm trước hoặc cũng có thể là những câu hỏi ngẫu nhiên do mình đặt ra, cũng có thể kiểm tra với bạn của mình. Từ đó bổ sung những kiến thức lịch sử còn hổng .
Lưu ý:
- Học thật kỹ các phần về âm mưu của 2 bên, chiến lược chiến thuật và nhất là ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi. Vì khi làm bài thi đại học môn Sử, đây là phần "ghi điểm".
- Khi gặp câu hỏi "trình bày diễn biến...." thì nên có vài dòng mở đầu để giới thiệu (có thể nói sơ lược qua âm mưu...) rồi trình bày diễn biến. Kết thúc bằng 4 hoặc 5 dòng về ý nghĩa lịch sử, ca ngợi chiến thắng và phân tích nêu ra bài học của sự kiện đó. Làm bài như vậy sẽ thể hiện được "đẳng cấp" của mình và gây ấn tượng với giáo viên chấm bài.
- Không được bỏ sót bài nào. Bài nào không quan trọng cũng phải nắm được ý chính, đảm bảo nếu đề có ra thì mình cũng làm được.
- Nhớ rèn chữ, chú ý cách trình bày và luyện viết liên tục trong thời gian tối thiểu là 2 tiếng cho quen nhé! Ít nhất là phải tự luyện viết 1 lần. Vì đọc và nhớ là 1 chuyện nhưng lúc ngồi viết ra lại là một chuyện khác.
Cuối cùng, ngoài sự chuẩn bi về tâm lý khi học, khi vào phòng thi, kiến thức để thi thì các bạn cùng cần phải đảm bảo có một sức khỏe tốt, một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong khi ôn thi.
Chúc tất cả các bạn sẽ thành công với việc học và thi môn lịch sử!
CLB Sử học trẻ ĐH Luật TP HCM