Tính từ năm 2004 đến nay, chị Sao Khuê, tác giả bài Từ 280 triệu, sau 12 năm tôi đã có 4 căn hộ ở TP HCM đã 5 lần mua nhà ở TP HCM. Ngoài căn đầu tiên đã bán, hiện trong tay vợ chồng chị còn 4 căn: gồm một căn đang ở, một căn đang cho thuê và hai căn đang trong tiến độ xây dựng. Dưới đây là những kinh nghiệm khi mua căn hộ của gia đình chị:
Nên mua vừa tiền, vừa khả năng của mình
Lúc mình mua nhà ở Thanh Đa (320 triệu năm 2004), gia đình mình chê bai đủ thứ nhưng mình thà mua nhà hơi xấu chứ không thể vay nợ quá nhiều. Mọi việc đều bắt đầu ở bước đầu tiên, cứ từ từ đầu tư trong ngân sách của mình. Theo thời gian, bất động sản của mình tăng giá, mà mình cũng đã có thêm tiền bạc tích lũy. Lúc đó, ta có thể nâng cấp nơi ở của mình lên. Đừng bao giờ ham hố chọn ngay một căn cao cấp để ôm một đống nợ vào người.
Mua căn tính thanh khoản cao sẽ dễ đổi nhà hơn
Đương nhiên, khi mua nhà rẻ tiền, bạn sẽ không muốn ở đó mãi, vì thế bạn cần mua nhà có tính thanh khoản cao, để dễ bán đi, đổi sang nhà mới. Nhà Thanh Đa dù cũ nhưng có tính thanh khoản rất cao, nhờ giá rẻ mà lại gần sát quận 1. Mình để ý nhà ở đây có người mua, người thuê liên tục, lúc nào môi giới bất động sản cũng có khách, nên mình quyết luôn. Người ít tiền bao giờ cũng nhiều hơn người giàu.
Tìm hiểu thêm về tài sản và tiêu sản
Nếu bạn đã giàu, tài sản có khoảng 10 tỷ thì bạn có thể ở căn nhà 5 tỷ. Nếu bạn chỉ có một tỷ, bạn cố gắng vay thêm ngân hàng 2 tỷ để mua căn nhà giá 3 tỷ thì thật là sai lầm. Nếu là mình, mình chỉ cần ở căn hộ 1,5 tỷ. Số tiền còn lại, mình sẽ mua thêm 1 hoặc 2 căn hộ nữa để cho thuê. Tài sản phải đẻ ra tài sản.
Tối thiểu sự vay mượn ngân hàng
Phân tích chi tiết các dòng tiền, ưu tiên sử dụng dòng tiền của chính mình (vì vậy, mình luôn chọn giải pháp tiền đẻ ra tiền để tái đầu tư). Luôn đưa ra nhiều kế hoạch cho nhiều tình huống khác nhau. Nếu mọi sự suôn sẻ, ta chọn kế hoạch A. Nếu bất trắc, ta có kế hoạch B. Tệ nhất, ta cũng còn kế hoạch C. Các kế hoạch phải bảo đảm 2 tiêu chí quan trọng là khả thi và an toàn. Phải bảo đảm, dù có chậm hơn, hoặc thậm chí bị lỗ ở tiền lãi vay ngân hàng, ta vẫn tích lũy để trả nợ được và sở hữu được căn nhà của ta.
Mua nhà cần lưu ý đến vị trí so với trung tâm
Mình luôn lấy chợ Bến Thành là tâm điểm, sau đó mình xác định thời gian, tuyến đường đi đến đó, có kẹt xe không? Nếu không dư dả tiền bạc để chen vào các quận trung tâm, bạn cũng có nhiều lựa chọn như quận 4, quận 7, quận 8, Bình Thạnh… Mình không thích chọn hướng Gò Vấp và Tân Bình vì xa và kẹt xe khủng khiếp.
Nên đến khu mình định mua nhiều lần để khảo sát
Hãy kiểm tra hướng gió để chọn đúng căn hưởng được gió trời; xem ánh nắng hướng nào để tránh nắng chiều nóng gắt chiếu thẳng vào nhà; kiểm tra xem có bị ngập nước do triều cường mỗi tháng hay không; kiểm tra các hướng nhìn, ước lượng tầm nhìn của căn hộ mình muốn mua. Những thứ đó mình không thể thay đổi khi đã nhận nhà, vì vậy, cần khảo sát cẩn thận trước khi mua.
Sửa chữa và trang bị nội thất cần tính toán cẩn thận
Quan trọng nhất là bố cục hợp lý: không gian ở, ánh sáng, gió thông thoáng.
Sau đó, cần lưu ý chọn vật liệu đơn giản và bền. Không cần sang trọng, cũng không cần bóng bẩy. Bạn nên nhớ, không phải cứ đắt tiền là đẹp. Cái đẹp của căn nhà là do thẩm mỹ khi chọn màu sắc, tính hợp lý của bố cục. Mua đúng tiền, đúng chỗ chứ không keo kiệt, vì mua đồ rởm thì mau hư.
Đặc biệt, những thiết bị liên quan đến điện, nước cần vật liệu tốt. Hết sức lưu ý đến sự an toàn về điện.
Cần cân nhắc cẩn thận số tiền đầu tư. Mình sửa nhà chỉ 30 triệu cho căn Thanh Đa, 50 triệu cho căn HL thứ hai nhưng ai vào cũng thích.
Khi chọn vật liệu nội thất, chọn sao cho bền, giữ màu lâu, ít bị trầy xước (hoặc khó thấy trầy xước), dễ vệ sinh, lau chùi. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng bảo quản nhà cửa sạch sẽ và luôn như mới.
Sao Khuê
Gửi câu hỏi thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm mua nhà đất, quản lý tài chính của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.