Anton Ivanov không phải là một triệu phú điển hình. Anh mới 27 tuổi, không được thừa kế, mà cũng chẳng làm việc ở Thung lũng Silicon.
Ivanov đã tạo nên khối tài sản triệu USD bằng cách rất cổ điển. Anh đọc sách, tiết kiệm sớm và thường xuyên, sau đó đầu tư cổ phiếu và bất động sản. Anh thậm chí lên kế hoạch trở thành triệu phú từ khi mới học phổ thông. Tất cả những kinh nghiệm làm giàu đều được Ivanov chia sẻ trên blog Financessful của mình.
"Tôi chính là minh chứng cho việc nếu rất muốn một điều gì đó và luôn làm việc vì nó, bạn sớm muộn cũng sẽ đạt được thôi. Chính thói quen và nguyên tắc đã giúp tôi giàu có", anh cho biết trên Yahoo Finance.
10 năm trước, Ivanov cũng như các thiếu niên khác tại Mỹ - học phổ thông và làm thêm tại một chuỗi đồ ăn nhanh. Cha mẹ anh di cư từ Nga sang Mỹ năm 2002. Một người làm luật sư và một làm kế toán. Cuộc sống của họ cũng như các gia đình trung lưu khác ở ngoại ô San Diego.
Nhưng Ivanov đã sớm nhận ra hàng xóm của mình có vẻ đều giàu hơn nhà anh rất nhiều. Cha mẹ anh đều chi rất phóng tay và chẳng mấy tin tưởng vào các dịch vụ tài chính. Ivanov không đổ lỗi cho họ, vì cả hai chuyển đến Mỹ chỉ vài năm sau khi phải trải qua một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất nước Nga thời đó. Nhưng cùng lúc, anh cũng cảm thấy mình phải làm điều gì đó.
"Ở trường, chúng tôi không được dạy nhiều về tài chính. Cha mẹ cũng chẳng nói chuyện với tôi về tiền bạc. Tất cả những gì tôi muốn biết đều phải tự học", Ivanov cho biết.
Anh rất thích những quyển sách dạy làm giàu. Cuốn ưa thích của anh là "Nghĩ và làm giàu" xuất bản năm 1937 của Napoleon Hill, với các chiến lược chi tiết để vượt qua chướng ngại tâm lý khi làm giàu.
"Cuốn này cực kỳ có ảnh hưởng với tôi. Không chỉ là loại sách dạy làm giàu bình thường, nó còn giúp tôi xây dựng tầm nhìn và tâm lý để có thể đạt được bất kỳ điều gì mình muốn", anh nói. Vì thế, ở tuổi 16, Ivanov đã đặt mục tiêu: Phải trở thành triệu phú.
Anh đã mở một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng và đặt toàn bộ tiền làm thêm vào đó trong 3 năm. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã có 10.000 USD. Lẽ ra Ivanov đã có thể dùng số tiền này để trả học phí đại học, nhưng anh biết từng đó vẫn là chưa đủ. "Bố mẹ không thực sự chuẩn bị cho chi phí đi học của tôi. Tôi biết mình sẽ phải đi vay để đủ tiền. Mà việc này tôi rất kiêng kị", anh nói.
Vì thế, khi bạn bè đăng ký vào đại học, Ivanov lại kỷ niệm sinh nhật 18 tuổi bằng một tài khoản tiết kiệm dành cho khi về hưu, rồi đi làm vài công việc hành chính gần nhà. Năm 20 tuổi, anh đăng ký vào Hải quân Mỹ và kiếm được 55.000 USD mỗi năm nhờ làm kỹ thuật viên điện tử trong quân đội. Ivanov cũng đăng ký học từ xa để lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin - lập trình. Dĩ nhiên, khóa học của anh là do Chính phủ chi trả.
"Khi so sánh giữa việc đi học và vào quân đội, lựa chọn thứ 2 có vẻ sáng suốt hơn. Do tôi sẽ kiếm được tiền ngay thay vì chờ đến khi tốt nghiệp. Tôi cũng có thể đi học miễn phí nữa", anh nói.
Ivanov còn mở một tài khoản chứng khoán để đầu tư. Anh biết mình không có năng khiếu chọn cổ phiếu. Vì thế, Ivanov chọn các quỹ đầu tư giá rẻ có danh mục bao phủ phần lớn thị trường. "Đó là cái mà tôi gọi là danh mục đầu tư lười biếng", anh nói. Mỗi năm, anh đều cân bằng lại danh mục này một lần.
Ivanov đổ vào thị trường 40.000-45.000 USD hằng năm, cho đến khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra. Khi ấy, anh không bán ra như nhiều người khác. "Thị trường chạm đáy là lúc tôi đầu tư mạnh hơn nữa. Tôi hầu như chẳng suy nghĩ gì cả", anh nói.
Sau đó, chịu ảnh hưởng từ các cuốn sách "Triệu phú đầu tư bất động sản" và "Triệu phú nhà bên", Ivanov còn muốn đổ tiền vào bất động sản. Và thời điểm anh chọn chính là lúc bong bóng nhà đất tại Mỹ vỡ vụn.
Năm 2009, Ivanov chỉ mất 80.000 USD cho một căn chung cư 400.000 USD ở San Diego. Anh hiện cho thuê với giá 36.000 USD. Ngày nay, bất động sản này có giá ước tính hơn 600.000 USD. Đầu năm nay, anh lại mua một căn hộ hai tầng giá 430.000 USD và cho thuê với giá 21.000 USD.
"Tôi tin tưởng vào việc chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Nếu nhận thấy cơ hội và cho rằng điều đó là đúng, bạn nên nắm lấy. Nhưng hãy hiểu rõ bạn vẫn có thể sai lầm và chuẩn bị trước hậu quả", anh cho biết.
Ivanov hy vọng sẽ có trong tay 10 bất động sản khi anh 40 tuổi. Nhưng anh cũng chẳng vội vàng làm điều này. Tiền thuê nhà, tiền làm chính và làm thêm được anh phân chia vào tài khoản về hưu đầu tiên, sau đó đến quỹ tiết kiệm phòng trường hợp khẩn cấp và cuối cùng mới là tài khoản chứng khoán.
Luôn tiết kiệm 60% thu nhập là điều rất đáng nể ở Ivanov, nếu bạn biết một người Mỹ trung bình chỉ dành ra 5% thu nhập một năm. Cách làm của anh là tự động hóa mọi thứ. "Cứ để tài khoản ngân hàng ghi lại số tiền ra vào sẽ giúp bạn luôn bám sát được mục tiêu", anh nói.
Năm 2013, anh xuất ngũ và tiếp tục sống khá tằn tiện để dành tiền đầu tư. Ivanov đặt mục tiêu tăng thu nhập lên đầu tiên và kiếm được việc phát triển phần mềm tại một công ty. Anh còn làm thêm trong thời gian rảnh rỗi, nâng thu nhập lên 100.000 USD mỗi năm (chưa bao gồm tiền thuê nhà).
Tất cả chi phí, từ tiền tập gym hàng tháng đến lễ cưới dự định năm 2016, đều được anh lên kế hoạch và tiết kiệm từ trước. Đây chính là chìa khóa thành công của Ivanov.
"Thường thì cứ đầu năm, tôi lại lên kế hoạch cho 2-5 năm tới. Tôi viết ra tất cả chi phí có thể và tính toán cần tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng để đạt mục tiêu đúng thời hạn", anh nói.
Ivanov đã cán mốc 1 triệu USD tài sản vào tháng 6 năm nay, chỉ 2 tháng trước sinh nhật 27 tuổi. Anh rất vui mừng vì thành tích này, nhưng cũng chẳng ngạc nhiên. "Nếu bạn thực sự muốn điều gì đó, bạn sẽ tìm được cách vượt qua chướng ngại. Tôi đã tin vào điều đó năm 16 tuổi và đến giờ lại càng tin tưởng", anh nói.
Hà Thu