Người gửi: Nguyễn Thanh Bình
Tiêu đề: Trẻ mắc bệnh tự kỷ
Gần đây tôi có đọc bài viết về trẻ tự kỷ, cách điều trị, những nỗi khổ của gia đình có trẻ tự kỷ của gia đình chị Nga. Tôi cũng có cháu nhỏ bị mắc chứng như trên, nên gia đình chúng tôi cũng trải qua tất cả những gì mà gia đình chị Nga phải đối mặt. Chỉ có một điều là gia đình chúng tôi không có điều kiện kinh tế như gia đình chị Nga, và nói chung đa số các gia đình ở Việt nam hiện nay khó có thể giúp con mình theo cách mà chị Nga đưa ra được.
Hơn ba năm trời với từ khoá AUTISM tôi có được kiến thức tương đối tổng quát về chứng tự kỷ, các phương pháp can thiệp trên mạng. Tôi đã giúp con của mình bắt đầu có thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp, đưa ra các yêu cầu bằng lời (không phải bằng cử chỉ), có thể hát nhiều bài hát, chơi với bạn bè. Bằng kinh nghiệm bản thân khi chữa chạy cho con của mình, tôi mong muốn qua báo chia xẻ với các gia đình có trẻ tự kỷ ở Việt Nam có thể tự giúp cho con mình.
1- Để ý phát hiện sớm thông qua các triệu chứng mà biểu hiện đơn giản nhất là trẻ không hề có phản ứng khi dược gọi. (trên thế giới người ta định nghĩa nhiều dạng tự kỷ nhưng tôi thấy tâm đắc nhất với một ý kiến của một giáo sư người Mỹ cho rằng tất cả những trẻ quá tập trung vào một cái gì đấy có thể coi là tự kỷ)
2- Không nên giấu con mình bị mắc chứng bệnh tự kỷ: nói cho tất cả mọi người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, cô giáo dạy cháu v v... để mọi người ý thức quan tâm và giúp trẻ.
3- Cho trẻ hoà nhập với các bạn bè càng sớm càng tốt: bằng cách cho đi nhà trẻ, chơi với trẻ con hàng xóm... Không nên tách các cháu tự kỷ cho học một lớp riêng vì môi trường đó càng không tốt cho trẻ, nên cho trẻ theo học các lớp bình thường và nhờ các cô đặc biệt chú ý hơn đến cháu.
4- Khi dạy cho trẻ tốt nhất mọi người trong gia đình phải tham gia, không cần các cô giáo chuyên. Dạy trẻ thông qua các đồ vật trong nhà, các tranh ảnh... từ cách đơn giản nhất là nhận biết : Ví dụ như đây là cái gì?, sau đó nâng dần lên mức so sánh, phân loại... Khi dạy cho trẻ tự kỷ thì nên có mục tiêu. Mục tiêu đặt ra để cho những người dạy chứ không phải mục tiêu cho trẻ. Nếu thấy trẻ không đạt được mục tiêu mình muốn đề ra trong ngày thì phải từ bỏ ngay mục tiêu đó trong ngày hôm đó và chuyển sang thời điểm khác và dạy trẻ mục tiêu khác. Việc dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi phải rất kiên nhẫn, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi người dạy phải nói rất nhiều với cháu. Cách dạy hiệu quả nhất là thông qua các đồ chơi, các việc sai vặt trong nhà.
5- Không nên tiết kiệm lời khen đối với trẻ, trẻ tự kỷ rất thích được khen đặc biệt được hoan hô khi cháu làm được bất cứ việc gì.
6- Trẻ tự kỷ rất máy móc, nhiều khi để đạt được mục tiêu của mình cũng phải chiều theo những điều máy móc của trẻ, khi trẻ đã nhận thức được nhiều hơn chúng ta sẽ sửa dần.
7- Trẻ tự kỷ trí nhớ về hình ảnh rất tốt, hãy cố gắng sử dụng yếu tố này để dạy trẻ sử dụng máy tính, TV, đầu video..., thông qua đó chúng ta có thể cài đặt các chương trình dạy trẻ rất sinh động: tôi thấy hiện bây giờ trên thị trường đang bán bộ đĩa Baby eistein rất thích hợp cho trẻ tự kỷ để nhận biết về thế giới xung quanh.(Tất nhiên là phải có người thuyết minh xem cùng vì nó dùng tiếng nước ngoài).
8- Không dạy trẻ ngoại ngữ (đây là ý kiến của các chuyên gia nước ngoài mà tôi thấy rất đúng) bởi vì mọi cái các cháu biết như người học ngoại ngữ học.
9- Đối với gia đình có trẻ tự kỷ sẽ rất vất vả cả về thể chất và tinh thần, nhưng không nên bi quan quá. Vì những trẻ tự kỷ thường sẽ có năng khiếu đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó (âm nhạc, làm toán... )và có trí nhớ rất tốt. Không phải dạy các cháu cái gì cũng khó, có những cái các cháu học rất nhanh ngoài sức tưởng tượng.
10- Các gia đình có trẻ tự kỷ nên liên hệ với nhau, học hỏi kinh nghiệm của nhau.
11- Tình yêu + Niềm tin + Kiên trì mọi lúc mọi nơi sẽ giúp những gia đình có trẻ tự kỷ thành công