Đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, có độ cao 2.865 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Vài năm trở lại đây, Tà Xùa trở thành điểm đến lý tưởng của dân ham mê leo núi thích săn mây và ngắm hoa đỗ quyên. Tà Xùa cũng sở hữu đoạn "sống lưng khủng long" độc đáo, dài và đẹp, mang lại cảm giác mạnh. Ngoài ra, khu rừng cổ thụ phủ rêu trên đỉnh Tà Xùa mang vẻ đẹp ma mị có một không hai ở Việt Nam. Thiên đường săn mây Tà Xùa là một trong ba thiên đường của mây ở Tây Bắc bên cạnh đỉnh Lảo Thẩn và Bạch Mộc Lương Tử ở Lào Cai. Thời điểm săn mây đẹp nhất kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Biển mây bồng bềnh rất dễ gặp do địa hình núi và hướng gió thổi đặc biệt ở đây. Du khách có thể lên đỉnh Tà Xùa theo hướng Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La), trong đó hướng lên từ Bắc Yên đường ngắn và dễ đi hơn nhưng không đi qua sống lưng khủng long dài 3 km. Mỏm đá đầu rùa - điểm check-in độc đáo Trên đường lên đỉnh Tà Xùa, bạn sẽ đi qua mỏm đá hình đầu rùa nhô ra phía thung lũng bên dưới, tạo thành một điểm check-in ấn tượng. Từ mỏm đá này có thể nhìn bao quát ra các ngọn núi xung quanh và cánh rừng bạt ngàn trải ra bên dưới. Sống lưng khủng long dài và đẹp ở Tây Bắc Sống lưng khủng long dài 3 km là thử thách lớn nhất của cung leo Tà Xùa. Đoạn đường hẹp với địa hình dốc đá dựng đứng, hai bên là vực sâu, một trong những đoạn đường leo nguy hiểm nhưng cũng hấp dẫn nhất với người mê mạo hiểm. Năm 2019, để đảm bảo an toàn cho du khách, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nguyên vật liệu còn người dân địa phương bỏ công để dựng một các cọc sắt và dây thép ở một số đoạn leo khó nhất. Ở các đoạn còn lại người đi vẫn phải tự mình bò, trườn và bám bằng cả hai tay để vượt qua con đường mòn nhỏ, dễ trơn trượt, chênh vênh vắt qua các đỉnh núi. Những người sợ độ cao được khuyến cáo không nên chinh phục cung leo này. Đứng ở trên sống lưng khủng long lộng gió có thể phóng tầm mắt ra xung quanh thấy bạt ngàn mây núi và các cánh rừng già dưới làn mây. Khu rừng rêu ma mị và độc đáo Khu rừng nguyên sinh với nhiều cây đỗ quyên cổ thụ ở gần đỉnh Tà Xùa được rêu phủ kín từ dưới đất lên tới các nhánh dài ngoằng mà không một khu rừng nào khác ở Việt Nam có được. Ở gần đỉnh núi thường xuyên bị sương mù khiến cảnh sắc trong rừng rêu càng trở lên huyền bí và ma mị như chỉ có ở trong truyện cổ tích. Rừng đỗ quyên cổ thụ nổi tiếng ở Tây Bắc Đỗ quyên hoa vàng và đỏ ở Tà Xùa đẹp không kém gì ở đỉnh Putaleng hay trên đỉnh Pusilung của Lai Châu. Hoa nở rộ nhất vào tháng 2-3, trải màu rực rỡ và bạt ngàn núi đồi. Các tháng đầu năm cũng là mùa leo núi thuận lợi nên thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng mùa hoa. Một số lưu ý khi chinh phục Tà Xùa Thời gian đẹp nhất để chinh phục Tà Xùa là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nếu là người sợ độ cao thì không nên chinh phục cung này. Thuê xe ô tô hoặc đi xe khách giường nằm từ Hà Nội lên và nghỉ đêm ở thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Sáng hôm sau đến thị trấn Tam Đường, cách Nghĩa Lộ 30 km, rồi đi tiếp 7 km vào xã Bản Công nơi xuất phát leo. Thời gian đi hai ngày một đêm với người có kinh nghiệm và thể lực tốt và ba ngày hai đêm với người bình thường. Nên xuất phát sớm từ xã Bản Công để có thể nghỉ đêm đầu ở lán 2 (gần đỉnh Tà Xùa) và đêm tiếp theo ở lán 1, với lịch trình đi ba ngày hai đêm. Nguyễn Đức Hùng Ảnh: Đức Hùng, Dũng Khuất