Tôi đã có 2 bé, bé đầu tiên tôi cho uống sữa công thức từ khi bé 4 tháng tuổi (cho bé uống sớm để mẹ còn đi làm). Khi mang hộp sữa về cho bé dùng thử thấy con uống ngon lành khiến tôi mừng lắm, vì đi làm sẽ không phải lo lắng nhiều nữa. Niềm vui chưa được bao lâu thì tôi thấy mặt bé nổi ban đỏ quanh miệng và cổ, tôi rất lo lắng không hiểu bé bị làm sao. Sau đó, tôi nghĩ lại xem có cho bé ăn gì lung tung không, hay chỗ bé nằm có con gì đốt không mà lại như vậy, nhưng mọi thứ hoàn toàn bình thường. Tôi lau lại mặt mũi, quanh cổ cho bé bằng nước lá sài đất và nghĩ ngay đến khả năng có khi bé bị dị ứng với sữa công thức.
![kinh-nghiem-cham-soc-tre-di-ung-cua-me-thu-giang](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/11/17/13-9481-1447748353.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T3jq3b04nufGE6DXPXXIOw)
Để kiểm chứng lại, tôi không cho bé uống sữa nữa, mà chỉ bú mẹ. Đến ngày hôm sau thì bé da của bé trở lại bình thường. Sau lần đó, tôi phải đổi đến 2-3 loại sữa mới tìm được sữa phù hợp cho bé. Lần này sinh bé thứ hai, tôi đã rút được kinh nghiệm và chăm sóc dinh dưỡng đúng cách cho bé.
Đúng là không có gì tốt bằng sữa mẹ vừa tiện lợi lại không tốn kém vì thế các mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Khi sữa mẹ giảm, cần bổ sung thêm sữa công thức thì nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình sử dụng cho bé, nếu bé ăn uống tốt mà không tăng cân thì đưa bé đi khám và đổi loại sữa khác cho bé.
Khi trẻ bị dị ứng nhẹ cần bình tĩnh xem xét mẹ (nếu bé dưới 6 tháng đang bú mẹ và mới dùng sữa công thức) và bé có ăn gì lạ không (bé đang thời kỳ ăn dặm) thì nên đổi thức ăn khác, trường hợp nặng thì đưa bé đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán chính xác nhất tình hình dị ứng của bé.
Khi đưa bé đi lớp, nên dặn dò cô giáo bé dị ứng với thức ăn hay loại sữa nào để cô giáo chăm bé được tốt hơn. Nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc chống dị ứng tại nhà để khi cần sẽ dùng được ngay.
Với một chút chia sẻ nho nhỏ này, tôi hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ trong việc chăm sóc các bé tốt hơn. Cảm ơn các mẹ đã đọc bài viết của tôi.
Đỗ Thị Giang