Mua xe tại Australia cũng như nhiều nước phát triển khác khá thuận lợi và đơn giản hoá mọi thủ tục cho mọi người dân khi thực hiện đăng ký quyền sở hữu của mình. Ngoài các khoản thuế và lệ phí phải nộp được niêm yết công khai, người dân không phải đóng bất kỳ chi phí "lót tay" nào khác khi làm thủ tục đăng ký sở hữu xe.
Tại Australia, xe được đăng ký theo từng tiểu bang nơi cư dân sinh sống, thủ tục đều được niêm yết trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tiểu bang, việc thanh toán là không dùng tiền mặt và cũng không cần phải đến tận nơi, hoá đơn điện tử gửi trực tiếp cho người dân thông qua thư điện tử đăng ký hoặc gửi về nhà qua bưu điện. Về cơ bản, khi mua xe, các khoản phí phải đóng gồm:
Thuế (stamp duty) dựa trên cơ sở giá trị xe tại thời mua bán theo quy định của từng tiểu bang. Mức thu này có thể dao động theo dung tích xi-lanh hoặc giá trị của xe. Ví dụ tại tiểu bang NSW, mức thu cơ bản 3% (xe giá trị dưới 45.000 AUD) hoặc 1.350 AUD + 5% (cho phần xe có giá trị vượt 45.000 AUD). Tại tiểu bang Queensland, mức phí thu dựa vào giá trị xe và dung tích xi-lanh, cơ bản dao động từ 2% (xe điện, xe hybrid) đến 4% (xe có dung tích từ 7 xi-lanh trở lên) với xe có giá trị dưới 100.000 AUD hoặc từ 4-6% với xe có giá trị trên 100.000 AUD.
Phí Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Greenslip) là loại phí tương tự như của Việt Nam.
Phí đăng ký biển số xe được quy định theo từng tiểu bang và biển số được gửi trực tiếp đến đại lý xe hoặc đến địa chỉ khách hàng yêu cầu hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan đăng ký (lưu ý khách hàng có nhu cầu đăng ký biển số đẹp/tự chọn sẽ phải trả tiền thêm). Người mua có thể phải trả thêm thuế xe sang (Luxury Car Tax -LCT) nếu xe họ mua thuộc dòng xe sang theo quy định của từng tiểu bang với giá trị xe. Ví dụ, tại bang NSW, mua xe sang có giá trị từ 80.000 AUD, người mua sẽ phải nộp thuế xe sang LCT là 3.742 AUD. Việc gia hạn hàng năm cũng thuận tiện và thực hiện online với những chỉ dẫn cụ thể cho người dân.
Việc mua bán, trao đổi xe đã qua sử dụng cũng thuận lợi. Theo đó, người mua và người bán chỉ cần điền thông tin cá nhân (như trên giấy phép lái xe) và giá trị xe vào mặt sau của Giấy chứng nhận đăng ký xe sau đó thực hiện đăng ký online (qua website hoặc qua app trên điện thoại) và nộp thuế (stamp duty) tại cơ quan đăng ký xe (Sở Giao thông) của các bang là xong.
Các bên ký nhận và giữ lại phần thông tin của mình làm bằng chứng cho việc mua bán nếu có tranh chấp sau này. Người mua sẽ nhận được Giấy chứng nhận đang ký xe mới gửi về tận nhà theo địa chỉ đăng ký. Với việc ứng dụng CNTT cao, mọi thủ tục đăng ký và quản lý xe đều được thực hiện qua website, qua app trên điện thoại với độ chính xác cao, bảo mật thông tin cá nhân và thanh toán.
Đăng ký và mua bán biển số đẹp tại Australia: Nếu người dân có nhu cầu biển số đẹp thì cũng được đáp ứng. Về nguyên tắc, biển số xe tại Australia được phân cấp về từng tiểu bang và do Sở Giao thông của các bang phụ trách. Tiểu bang chỉ quy định về kích cỡ, số lượng chữ và số cần phải có trên mỗi biển, loại xe và màu sắc với loại xe chuyên dụng của các cơ quan chính phủ, quân đội...
Nếu người dân cần biển đẹp, thì khi chọn xong trên hệ thống, sẽ phải đóng phí làm biển và phí biển đẹp trả theo năm sử dụng thực tế. Ngoài ra lựa chọn kích cỡ hay màu sắc cũng có thể phải mất thêm các chi phí phát sinh. Biển đẹp này có thể được giữ lại khi bán xe và lắp cho xe mới mua, nhưng khi bán xe mà muốn hay không muốn giữ lại biển đẹp thì phải nêu rõ trong thông tin bán lại xe trên các website để người mua biết.
Ví dụ tại tiểu bang NSW, đầu tiên tìm đúng loại/hạng xe, sau đó nhập đúng biển mình mong muốn có (tuân theo nguyên tắc về số lượng chữ số và chữ, hoặc chỉ số hoặc chỉ chữ trên biển do từng bang quy định) sau đó dùng lệnh " Tìm kiếm" để hệ thống tự lọc xem biển khách hàng cần đã bị đăng ký chưa, nếu biển đó chưa được đăng ký thì sẽ tiến hành thủ tục đăng ký cho cá nhân/công ty mình (tại NSW là tới 6 số và/hoặc chữ).
Hệ thống cũng đưa ra mức phí phải đóng (phí làm biển + phí năm + phí màu sắc/thiết kế đặc biệt nếu có) và các gợi ý cho người đăng ký một số ký tự khác mà hệ thống AI tự nhận biết là biển đẹp và chưa đăng ký để có thể lựa chọn. Bước sau cùng là lựa chọn biển mình cần, màu sắc, thiết kế mình thích và tiến hành đăng ký và thanh toán online. Biển sẽ được gửi về tận địa chỉ khách hàng yêu cầu hoặc tới nơi mua xe của khách hàng được chỉ định. Toàn bộ quá trình này thực hiện online, qua app và hoàn toàn minh bạch, công khai, không có tiêu cực và nguyên tắc "First come, First served" (Ai đăng ký trước được trước). Hình thức này áp dụng cả đăng ký xe mới, xe cũ, hoặc đơn giản là chỉ muốn đổi biển xe đang sử dụng sang biển mới.
Người Australia có quan niệm khá khác nhau về biển số đẹp. Ví dụ, người châu Á thì cứ phải nhiều số 6, 8, 5, 9, 1 hay số lặp, số phong thuỷ thì mới thích khi đăng ký xe. Người Australia thì ngược lại, biển số có ít chữ số, hay ít chữ mới là số đẹp. Do việc cấp biển số được đưa về cho từng tiểu bang quy định, nên các Sở Giao thông các tiểu bang cũng chỉ quản các biển kiểu "độc đáo" thôi, chứ còn lại thì để dân, doanh nghiệp, tổ chức tự do đăng ký, miễn là thích biển đẹp, thì phải trả được phí duy trì hàng năm. Cần lưu ý là nguyên tắc "Ai đăng ký trước được trước" nên nhiều khi các biển số đẹp, độc được những người nhanh chân đăng ký cho xế yêu của mình.
Ở Australia thì chỉ xe đẹp (dân giàu thực sự mới mua xe đẹp của các thương hiệu Mỹ, châu Âu, xe thể thao, xe hiệu suất cao) mới thích biển đẹp hoặc đơn giản là mua biển đẹp về gắn xe thể hiện sự giàu có của mình. Vì giá xe ở Australia rẻ hơn Việt Nam từ 30-70%, nên thích là mua biển số đẹp thôi miễn là có tiền, chưa kể khi mua xe còn mua trả góp (3, 5, 7 năm) căn cứ vào thu nhập hàng tháng và khả năng chi trả nên càng thuận lợi.
Hiện biển số đắt giá nhất đang lưu hành tại bang Victoria là biển có số 1 (có thêm chữ VIC nhỏ nằm phía bên trái của biển số thể hiện biển này được đăng ký tại tiểu bang Victoria nên còn gọi là biển VIC 1). Theo truyền thông địa phương, biển số này có giá ít nhất là 2 triệu USD nếu được bán lại. Biển số này được phát hành năm 1932 và cất giữ tại cơ quan đăng ký xe của bang Victoria trong hơn 50 năm sau đó. Năm 1984, biển số này được bán đấu giá với số tiền 127.000 USD. Giá trị của biển số này tiếp tục tăng sau đó do được mua bán, trao đổi biển đẹp hoặc chủ giữ lại ko bán khi bán xe, nâng đời xe mới. Hiện nó gắn cho một chiếc Mercedes E63 AMG.
Đầu tháng 2/2016, bang Victoria đã bán đấu giá ở thành phố Melbourne 13 biển số có chữ số bé, trong đó biển số "230" bán được 135.000 AUD (cao hơn 40.000 AUD so với giá khởi điểm) và số tiền bán biển này còn đắt hơn mua xe mới kiểu " sang, xịn, mịn" của châu Âu như Mercedes, BMW, Jaguar. Tính riêng tổng số biển bán được là 555.000 AUD. Các biển có 4 chữ số cũng bán được giá, ví dụ như biển số " 3.309" bán được 35.000 AUD, còn biển "22.228" cũng bán được 15.500 AUD
Có một điểm khá thú vị với mỗi chiếc biển xe đó là việc chính quyền các tiểu bang khuyến khích dân gắn biển có thêm khẩu hiệu yêu thích của bang như: Victoria là "Victoria- The Education State" (do là bang đứng đầu về chất lượng giáo dục), NSW thì là NSW- The First State ( là bang thành lập đầu tiên tại Australia) hay Canberra là Canberra- The National Capital (thủ đô). Nói chung mỗi bang có từ 10-20 slogan kiểu vậy để dân thích thì đăng ký nhưng không bị trả thêm tiền. Chủ yếu là khuyến khích lòng tự hào với bang mình sinh sống.
Ở Việt Nam, chuyện một ai đó không may "bốc" phải một biển số được xem là "xấu" xảy ra không phải là hiếm. Trong khi cơ quan cấp biển số nói rằng, việc được một biển số đẹp như chơi xổ số vậy. Mặc dù vậy, cứ đi trên đường nhìn thấy xe đẹp (xe có giá trị kinh tế cao) là đi liền với biển đẹp nên mọi người chỉ thầm ngưỡng một chủ nhân xe kia là có "bàn tay vàng trong làng bấm/bốc biển". Với người Việt, chiếc xe không chỉ là tài sản mà còn là cách để thể hiện đẳng cấp của mình trong cuộc sống hàng ngày hay công việc nên việc chẳng may "bốc" được biển số xấu là rất xúi quẩy, nhất là khi công việc hay cuộc sống không thuận lợi. Từ đó càng đặt ra nhu cầu cấp thiết là càng phải đẩy nhanh việc cấp, đấu giá, thậm chí mua đi bán lại biển số như phía Australia đã làm, miễn là nhà nước thu được thuế, còn người dân, doanh nghiệp thì lại giải toả được tâm lý và có được biển số mong muốn. Tuy nhiên, có ba vấn đề đặt ra với Ban soạn thảo và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này.
Thứ nhất, liệu chúng ta có nên tiếp duy trì kiểu cấp biển theo đầu số của cấp hành chính của các tỉnh thành như hiện nay hay không. Cụ thể hơn, hiện biển số xe của Hà Nội là đầu số 29, 30, 31, 32, 40 hay TP HCM là 41, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, Đà Nẵng là 43, Hải Phòng là 15,16... Nếu bây giờ hỏi ai đó là những người dân bình thường, không quan tâm lắm là đầu số biển xe của Hà Nam, Nam Định hay Ninh Bình là bao nhiêu thì đa phần là không biết (mà cũng không cần phải biết làm gì), trừ khi là dân của tỉnh, thành đó và ngược lại.
Như vậy, ý nghĩa các con số kia rõ ràng không đạt được mục đích thông tin đến người dân là chiếc xe đó được đăng ký ở địa phương nào. Lấy kinh nghiệm của Australia, nên chăng bỏ luôn những con số khô khốc này, mà thay bằng việc ghi thành tên với cỡ chữ nhỏ hơn, phía bên trái, đặt dọc chiều biển, ví dụ: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế... Như vậy, bất cứ ai nhìn vào cũng biết là chiếc xe đó đăng ký biển ở địa phương nào, quản lý cũng tiện lợi, nhất là khi chạy trên các tuyến đường thu phí, thu phí tự động không dừng.
Thứ hai, nên chăng chỉ nên quy định số lượng chữ, số hoặc cả chữ và số tối đa trên biển, còn lại để dân tự quyết và chọn biển số cho mình, miễn là thoả mãn nguyên tắc " Ai đăng ký trước được trước". Việc ứng dụng CNTT hay chuyển hẳn cho khu vực tư nhân làm là vấn đề cũng rất nên được cân nhắc và xem xét. Đương nhiên là phải là các doanh nghiệp có uy tín, có điều kiện và năng lực để thực hiện việc quản lý, đăng ký và cấp biển. Nhà nước chỉ lo hậu kiểm và thu thuế nộp thẳng tài khoản ngân sách nhà nước mà thôi. Tiện đôi đường mà lại ngăn ngừa tiêu cực. Riêng các biển số đẹp thì nhà nước nắm giữ và tổ chức đấu giá công khai, ai trả cao, có tiền thực thì được cấp, giữ, thậm chí mua đi bán lại, nhà nước chỉ thu thuế khi phát sinh thu nhập từ việc mua bán đó, bên cạnh khoản thuế thu hằng năm duy trì biển của chủ sở hữu xe.
Thứ ba, học tập kinh nghiệm Australia và nhiều nước khác, chúng ta cũng nên khuyến khích người dân chọn các biển số có thiết kế thể hiện một khẩu hiệu gì đó mà địa phương nơi cấp biển thấy tâm đắc, mong muốn đạt được, có dòng chữ nhỏ, phía dưới, đặt nằm ngang kiểu như "Hà Nội - thành phố vì hòa bình; "Bắc Ninh - quê hương quan họ", Hải Phòng - thành phố cảng" hay " Đà Nẵng - thành phố bên sông Hàn"... Chắc mọi người tự hào khi có những biển số xe thể hiện tình yêu với quê hương của mình, thay vì chỉ đơn thuần là các con số, dòng chữ khô khan.
Tuy nhiên các tranh luận về việc "thế nào là biển đẹp", quy định biển đẹp về nội dung, hình thức ra sao, giá thế nào, thu phí ra sao sẽ là những điểm còn gây nhiều tranh cãi bên cạnh việc giao cho ai quản việc này hay là đưa ra ngoài cho tư nhân làm, miễn là nhà nước cứ thu đúng và đủ là được. Tôi hy vọng các kinh nghiệm từ Australia trên đây sẽ là những gợi ý để tham khảo.
Độc giả, LS Lê Minh Toàn (từ Australia)