Kính mắt trong nhiều thập kỷ qua vẫn được xem là món phụ kiện không thể thiếu với cả đàn ông lẫn phụ nữ khi xuống phố. Mỗi mùa mốt trôi qua, các quý ông, quý cô lại "lùng sục" để sở hữu những kiểu kính râm hợp mốt, từ Prada, Tom Ford, Ray Ban, Oakley, Dolce & Gabbana cho đến Salvatore Ferragamo, Chanel, Celine, Chopard... Giá của món phụ kiện nhỏ bé này dao động từ vài trăm đô đến vài trăm nghìn đô tùy vào độ cầu kỳ, tinh xảo và nguyên liệu của sản phẩm. Vậy điểm khác biệt giữa kính hàng hiệu cao cấp với những sản phẩm bình dân do các thương hiệu nhỏ sản xuất là gì?
Trên thực tế, các thương hiệu kính cao cấp nhất và các sản phẩm của hãng bình dân đều chung nguồn gốc.
Luxottica - công ty sản xuất kính có trụ sở chính tại Milan, Italy - được coi là "ông trùm" trong ngành sản xuất kính thế giới. Mỗi năm, hãng này lại cho ra lò ra hàng triệu cặp kính thời trang để đưa về các hãng, từ Burberry, Chanel, Paul Smith, Tiffany & Co., Versace, Vogue, Person, Miu Miu, Tory Burch, Paul Smith Donna Karan... cho đến những thương hiệu nhỏ hơn. Bên cạnh đó, Luxottica cũng sở hữu một loạt các nhãn hiệu kính nổi tiếng như Ray Ban, Oakley, Oliver Peoples và REVO.
Luca Biondolillo - đại diện hãng cho biết: "70% kính mắt của các hãng đều được chúng tôi sản xuất tại nhà máy ở Italy, phần còn lại là Mỹ và Trung Quốc. Luxottica không chỉ phụ trách sản xuất mà còn cả tạo mẫu và marketing". Người này cho biết mỗi nhà mốt sẽ làm việc với đội thiết kế của hãng để đưa ra mẫu số chung rồi thỏa thuận cấp phép và sản xuất đại trà hay giới hạn. Mỗi thỏa thuận cấp phép giúp cho thiết kế kính của từng hãng được bảo hộ độc quyền trong vòng 3-10 năm.
Ngoài Luxottica, thị trường kính mắt thế giới còn bị "thao túng" bởi một "ông lớn" khác là Safilo. Công ty Italy này sản xuất kính cho những hãng như Alexander McQueen, A/X Armani Exchange, Balenciaga, Banana Republic, Bottega Veneta, Dior, Emporio Armani, Fossil, Giorgio Armani, Gucci,Yves Saint Laurent, Marc Jacobs... Safilo cũng sở hữu thương hiệu của riêng mình như Carrera, Polaroid, Smith Optics, Oxydo hay Blue Bay.
Theo tính toán của các chuyên gia, cứ mỗi một đô la (hơn 20.000 đồng) có trong các cặp kính bán ra, những công ty như Luxottica hay Sofila sẽ thu về khoảng 64 cent (khoảng hơn 12.000 đồng). Cả khi đã trừ các khấu hao liên quan đến bán hàng và marketing, số tiền họ kiếm được trên mỗi sản phẩm vẫn chiếm hơn một nửa giá bán ra.
Đeo kính hàng hiệu cũng không tốt hơn cho mắt so với kính bình dân bởi khả năng chống tia UV - công dụng chính của kính - là như nhau. "Một cặp kính 300 USD (hơn 6 triệu đồng) thực chất chẳng khác nhiều so với hàng 100 USD (hơn 2 triệu đồng) về khả năng bảo vệ mắt, ngoại trừ việc trông chúng đẹp hơn và có tên thương hiệu nổi tiếng đi kèm", Jay Duker - chủ tịch của trung tâm nhãn khoa Tufts Medical Center (Mỹ) cho biết. Theo chuyên gia, chỉ cần bỏ ra 40-70 USD, các "thượng đế" đã sở hữu được một cặp kính có khả năng chống tia cực tím (UV) tối đa cùng nhiều lợi ích khác.
Tiến sĩ Reza Dana, Giám đốc phụ trách mảng phẫu thuật giác mạc và các tật khúc xạ về mắt ở bệnh viện tai-mắt Massachusetts (Mỹ) khẳng định: "Những cặp mắt kính có khả năng chống tia UV sử dụng công nghệ không mấy đắt đỏ".
Vì thế, số tiền đắt đỏ mà khách hàng phải chi cho các cặp kính hiệu phần nhiều vì các yếu tố ngoài chất lượng.
Giá trị thương hiệu là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nhất đến giá bán. Để có được lợi nhuận cao, các thương hiệu lớn phải chi bộn tiền cho quảng cáo. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu các khoản phí về bán hàng, quản lý hay thuế. Việc đẩy giá các mặt hàng lên cao để đảm bảo được cả hai yếu tố quảng bá thương hiệu lẫn lợi nhuận là điều cần thiết.
Will Wister, một chuyên gia đầu tư, cho biết nếu coi số lượng hàng hóa sản xuất không thay đổi, việc mở rộng thiết kế sẽ khiến các nhà mốt mất nhiều chi phí hơn cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Các khoản chi tăng lên cũng đồng nghĩa với việc giá bán của sản phẩm phải "đội" lên thì mới đem lại được lợi nhuận về cho người sản xuất.
Tuy nhiên, việc khoác lên mình món đồ xa xỉ, có sẵn danh tiếng vẫn được xem như một cách khẳng định đẳng cấp. Hầu hết thương hiệu lớn đều đăng ký một thiết kế độc quyền, đồng nghĩa với việc ai sở hữu những cặp kính thời thượng đắt đỏ cũng sẽ là người đi đầu về phong cách. Một số nhà sản xuất còn tìm cách đưa các loại trang sức, đá quý cũng như vật liệu chống nước, chịu lực, chống sương... để những món phụ kiện thêm phần độc đáo. Các ông lớn như Chopard (Thụy Sĩ), Dolce & Gabbana (Italy), Shiels Emerald (Australia), Cartier (Pháp) đã đua nhau trình làng những mẫu kính xa xỉ, sử dụng các nguyên liệu như vàng, vàng trắng, kim cương, hồng ngọc... trang trí. Mẫu kính Panthere của Cartier trị giá 159.000 USD có hàng trăm viên kim cương cùng sapphires sắc xanh tạo hình con báo dọc hai gọng kính. Hay như mẫu kính đắt giá nhất thế giới năm 2014 của thương hiệu Chopard "hét" giá 400.000 USD bởi phần mắt được phủ 51 viên kim cương, còn gọng dát vàng nguyên chất 24 cara.
Nếu so sánh về giá trị sử dụng (khả năng che chắn nắng, bụi), khoảng cách giữa các cặp kính hàng hiệu với bình dân không lớn. Nhưng xét về mặt thẩm mỹ và sáng tạo, những món phụ kiện phù phiếm vẫn vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ giá rẻ. Bởi vậy, câu trả lời cho thắc mắc "kính hàng hiệu có đáng tiền không?" phù thuộc phần nhiều vào khả năng kinh tế cũng như quan niệm về cán cân thẩm mỹ - túi tiền của từng người.
Lưu ý khi sử dụng kính 1. Không đeo kính trong nhà hoặc vào buổi tối. 2. Chọn kích thước phù hợp với khuôn mặt và phong cách. 3. Luôn đảm bảo mắt kính không bị mờ. 4. Không nên đeo kính mắt gương khi nói chuyện với người khác bởi nó khiến người đối diện bị bối rối vì chỉ thấy bóng mình trước mặt. 5. Không nên gài kính lên đỉnh đầu. Nó chỉ phù hợp khi bạn không có túi áo để cất kính. 6. Không vứt kính nếu không bị hỏng. Thời trang luôn tuần hoàn nên phụ kiện không còn hợp mốt sẽ có thể trở lại thành xu hướng vào những năm sau. |
Thành Trương