Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt tại Thành phố trong 4 tháng đầu năm giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xe buýt không trợ giá giảm 5,5%, xe buýt có trợ giá giảm 10,2%.
Báo cáo nhận định, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt giảm do số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động giảm 5 tuyến so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tuyến xe cũ (61, 66, 78, 102) đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, giảm thu hút đối với hành khách.
Đặc biệt, xe ôm công nghệ tiếp tục là một nguyên nhân được chỉ ra cho việc xe buýt ngày càng ế ẩm. "Sự phát triển của dịch vụ Grab, Goviet, Be,... cũng cạnh tranh với xe buýt, hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi có cự ly ngắn do sự tiện lợi, cơ động và có giá thành gần ngang với chi phí đi xe buýt", báo cáo viết.
Từ năm ngoái, xe ôm công nghệ đã được xác định là một trong những nguyên nhân khiến lượng hàng khách của xe buýt ngày càng vơi dần theo thời gian. Năm 2018, lượng hành khách công cộng chỉ đạt 571 triệu lượt khách, giảm 21 triệu so với cùng kỳ năm 2017, bằng 90% kế hoạch đề ra.
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM chỉ ra 5 nguyên nhân, bao gồm: một số buýt có xe cũ, xuống cấp; chi phí đầu vào tăng; một số đơn vị quản lý yếu kém; số tuyến xe giảm và sự phát triển của xe ôm công nghệ.
Năm ngoái, khi 5 tuyến xe buýt có trợ giá và 2 tuyến không trợ giá phải ngừng hoạt động động do thu không đủ chi vì quá vắng khách, đại diện sở này cũng phân tích xe ôm công nghệ có góp phần gây nên.
"Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, ngoài các phương tiện cá nhân còn có các dịch vụ vận chuyển thuận tiện và nhanh chóng như xe ôm công nghệ, taxi,... thu hút đông đảo khách hàng tin dùng dịch vụ. Các loại hình dịch vụ này liên tục khuyến mãi, quảng cáo làm ngành dịch vụ phương tiện vận tải công cộng cũng bị ảnh hưởng đáng kể", Báo cáo thường niên năm 2018 của Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) chỉ ra rủi ro cạnh tranh.
Saigonbus vốn là một trong những "anh lớn" xe buýt ở TP HCM. Năm ngoái, công ty đạt 104,9% kế hoạch doanh thu nhưng do bị động trong giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm đến hơn 37 tỷ đồng.
Nghị quyết của Đại hội Cổ đông thường niên 2019 của Saigonbus đặt mục tiêu năm nay lợi nhuận trước thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 14,4 tỷ đồng và sẽ không chia cổ tức để dùng lợi nhuận sau thuế bù lỗ cho năm 2018.
Nhằm lấy lại khách đi cự ly ngắn từ xe ôm công nghệ, năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải TP HCM có kế hoạch rà soát, điều chỉnh các tuyến để kết nối xe buýt nhiều hơn với các điểm có nhu cầu đi lại cao như trường học, trung tâm thương mại, hướng đến tiếp cận các bến metro trong tương lai.
Giải pháp tổ chức các điểm giữ xe máy cho khách tại bến xe buýt và khu vực cửa ngõ thành phố đã được đưa ra. Hay như việc áp dụng thẻ xe buýt thông minh đã triển khai thí điểm từ tháng 3 trên 9 tuyến và sẽ triển khai tiếp 7 tuyến nữa vào tháng 7 tới.
Từ đầu tháng 5, giá vé xe buýt trên 51 tuyến có trợ giá tại TP HCM tăng 1.000 đồng mỗi lượt hành khách, lên 6.000 đồng cho nhóm tuyến cự ly 15-25 km. Các tuyến có cự ly dưới 15 km giá vé giữ nguyên 5.000 đồng.
Theo ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, việc tăng giá vé xe buýt là cần thiết, phù hợp với tình hình thu nhập của người dân cũng như để bù đắp vốn đầu tư xe mới, giảm ngân sách bù lỗ.
Thực tế, giá vé 5.000 - 6.000 đồng hiện nay của xe buýt là rất phải chăng. Tuy nhiên, việc khuyến mại liên tục của xe ôm công nghệ khiến các cự ly ngắn của dịch vụ này rẻ không kém, đặc biệt là khoảng cách tầm 2km.
Ví dụ, với giá cước 12.000 đồng cho 2 km đầu tiên, GrabBike thường tung khuyến mại giảm 50%, không quá 15.000 đồng cho khách thanh toán qua ví điện tử, tức nếu đi 2km không phải giờ cao điểm thì chỉ trả tầm 12.000 đồng.
Go-Viet thường tặng 5 chuyến giá 5.000 đồng khiến mỗi chuyến đi có giá cước giảm đến một nửa. Trong khi đó, beBike tặng khá nhiều mã khuyến mại trong tuần cho khách, từ giảm 30%, 50% đến giảm trực tiếp 12.000 đồng, vốn có thể giúp một chuyến xe có thể có giá dưới 5.000 đồng nếu đi ngắn.
Không chỉ xe ôm, taxi công nghệ cũng thường ưu đãi đậm. Tuần trước, FastGo tặng đồng giá 25.000 đồng cho chuyến đi phạm vi 5km bằng xe 4 chỗ. Điều đó có nghĩa, một km taxi công nghệ chỉ 5.000 đồng. Hay như TADA, vốn vào thị trường Việt Nam với tuyên bố không cạnh tranh bằng khuyến mại thì nay cũng chẳng thể đứng ngoài. Ứng dụng này liên tục thông báo tặng mã giảm trực tiếp từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng trong thời gian qua.
Cuộc đua tặng mã khuyến mại vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, Go-Viet còn nghĩ ra "chiêu" ổn định giá giờ cao điểm, vốn là thế mạnh của taxi truyền thống hay xe buýt. Rõ ràng, trong cuộc đối đầu giữa các ứng dụng công nghệ thì xe buýt tưởng chừng không liên quan nhưng cũng bị "thấm đòn".
Viễn Thông