Thành lập năm 2009, VSTV - đơn vị sở hữu Truyền hình K+ là công ty liên doanh của Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam - VTVcab (thuộc VTV) và Canal+, một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình lớn nhất châu Âu. Đến năm 2013, phần vốn góp vào VSTV của VTVcab được chuyển giao về VTV quản lý. Hiện tại, VSTV có vốn điều lệ 20,1 triệu USD. Trong đó VTV nắm 51%, tương đương 10,2 triệu USD, Canal+ nắm 49% còn lại.
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, phiên đấu giá 15% phần vốn góp của VTV tại công ty sở hữu truyền hình K+ sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2022. Đối tượng được tham gia đấu giá là các nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư có thể đăng ký và nộp tiền cọc từ ngày 24/12/2021 đến 6/1/2022. Mức giá khởi điểm được đưa ra cho 15% cổ phần của VTV tại VSTV là hơn 188,7 tỷ đồng. Phần vốn này tính theo giá trị góp vốn ban đầu khoảng 51,6 tỷ đồng.
Mục đích của thương vụ bán vốn này là thực hiện định hướng, chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ vốn, nhằm thu hồi phần vốn ban đầu cho nước. Đồng thời, việc VTV thoái vốn cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiềm năng có mong muốn trở thành thành viên góp vốn tại VSTV, trực tiếp tham gia quản lý điều hành.
VSTV than khó khăn vì luôn hoạt động trong tình trạng thiếu vốn (vốn góp ban đầu chưa được một nửa so với tổng nhu cầu). Vì vậy, VSTV hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Năm 2016, VTV và Canal+ đã trình Chính phủ xin tăng vốn cho VSTV, nhưng không được thông qua chủ trương.
Những năm gần đây, VSTV liên tục thua lỗ do khó khăn nội tại và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường truyền hình trả tiền. Năm 2019 và 2020, đơn vị sở hữu truyền hình K+ lần lượt lỗ hơn 246 tỷ và 265 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, công ty này lỗ 194,6 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết 30/9, VSTV đã lỗ gần 3.750 tỷ đồng.
VSTV cho biết buộc phải giảm phí thuê bao do sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình với các gói combo internet kèm truyền hình với giá rẻ. Sự xuất hiện của các nhà cung cấp nội dung xuyên biên giới như Netflix, Amazon, Facebook... với công nghệ, tài chính vượt trội, không phải chịu sự điều chỉnh của quy định cấp phép, kiểm duyệt nội dung đang là mối đe doạ của cả ngành truyền hình trả tiền trong nước.
Dù đang lỗ, VSTV vẫn phải tiếp tục tăng đầu tư nội dung với chi phí bản quyền ngày càng cao và đầu tư vào công nghệ đối phó với nhiều đối thủ, trong khi nạn vi phạm bản quyền ảnh hưởng trầm trọng tới hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp này.
Anh Tú