Theo báo cáo tài chính bán niên mới công bố, tỷ lệ sở hữu của Công ty cổ phần VNG tại Tiki đến cuối quý II đã giảm xuống 24,6%, so với mức 28,8% hồi đầu năm. So với thời điểm lần đầu rót vốn vào Tiki, tỷ lệ sở hữu của VNG đã giảm đi 13,4%.
Trong khi đó, nhờ liên tục đổ vốn vào Tiki kể từ lần đầu vào cuối năm 2017, JD.com - đại gia thương mại điện tử của Trung Quốc - hiện đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của sàn thương mại điện tử này. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, JD.com đến ngày 25/6 sở hữu 25,65% cổ phần Tiki. Tuy nhiên, theo đại diện Tiki, tỷ lệ sở hữu của JD thực tế thấp hơn con số này, do thời điểm này Tiki nộp báo cáo về tỷ lệ sở hữu và công bố có sự sai lệch.
Theo số liệu do Tiki cung cấp, sàn thương mại điện tử này đang có cổ phần thuộc sở hữu của những nhà đầu tư Việt Nam cùng với các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong.
Trong đó, các nhà đầu tư Việt Nam đang giữ cổ phần lớn nhất, chiếm 51,33%. Nhà đầu tư Trung Quốc chiếm 21,47%. Phần còn lại, tương đương 27,2% thuộc về các nhà đầu tư có quốc tịch khác. Tiki cho biết đây là tỷ lệ nắm giữ cổ phần đến thời điểm đầu tháng 8 nhưng không thể cung cấp cụ thể tên từng nhà đầu tư, chỉ công bố theo quốc gia, vùng lãnh thổ.
Được thành lập năm 2010 và đặt trụ sở chính tại TP HCM, Tiki khởi nghiệp bằng bán sách trực tuyến. Sau đó, trang thương mại điện tử này mở rộng hoạt động kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm khác nhau, từ đồ dân dụng, thời trang, đồ công nghệ, cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp...
Tiki bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent, trước khi chốt khoản đầu tư vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần.
Nhận hơn 384 tỷ đồng từ VNG, nhưng chỉ trong hai năm sau đó, startup này đã "đốt" gần hết số tiền được đầu tư. Theo số liệu từ báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ tổng cộng 380 tỷ trong hai năm 2016 và 2017.
Trong khi cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử ngày càng khốc liệt, với Lazada và Shopee được hậu thuẫn bởi những cổ đông lớn có tiềm lực, Tiki cần liên tục huy động vốn để có nguồn lực kinh doanh. Cuối năm 2017, đơn vị này nhận khoản đầu tư đầu tiên từ JD.com - đại gia thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc. JD, sau đó, tiếp tục đầu tư và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Tiki, chỉ sau VNG.
Để duy trì vị thế đứng đầu, VNG cũng đầu tư thêm hơn 120 tỷ đồng vào Tiki trong đợt phát hành riêng lẻ đầu năm trước. Tỷ lệ sở hữu của VNG đến cuối năm 2018 giữ ở mức 28,9%, so với mức gần 22% của JD. Dù vậy, áp lực cạnh tranh khiến nhu cầu về vốn của Tiki ngày càng cao, trong khi VNG còn nhiều khoản đầu tư khác cần quan tâm, như Zalo Pay.
Theo báo cáo tài chính của VNG, giá trị khoản đầu tư vào Tiki giữ nguyên ở mức 506 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi Tiki tiến hành hai lần tăng vốn.
Thay vào đó, VNG đã đầu tư thêm 129 tỷ vào Công ty cổ phần Zion, đơn vị vận hành nền tảng Zalo Pay. Trước đó, Zion báo lỗ hơn 133 tỷ đồng trong năm 2018, theo số liệu từ báo cáo thường niên VNG.
Minh Sơn