Mục tiêu điện tử hóa nền kinh tế
Kinh tế chia sẻ là từ khoá mà Vinagroups - công ty điện tử kinh tế đa lĩnh vực định hình từ những giai đoạn đầu thành lập năm 2004. Theo ông Phạm Xuân Huy, một trong 5 nhà sáng lập, nền tảng công nghệ số "digital platform" mà Vinagroups cung cấp có thể ứng dụng với mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến phân phối, bán hàng B2B, B2C, từ online tới offline... nhằm mục tiêu điện tử hoá kinh tế Việt.
Với nền tảng công nghệ mà Vinagroups xây dựng, nhà sản xuất và người tiêu dùng, đơn vị phân phối có thể gặp nhau, tận dụng tối đa nguồn lực nhàn rỗi mỗi bên để tạo nên hệ sinh thái cung - cầu.
Tại đây, sản phẩm, dịch vụ từ các nhà sản xuất trên toàn quốc được tập hợp thành một kho hàng tổng, nơi người tiêu dùng có thể lựa chọn mặt hàng phù hợp với nhu cầu để mua trực tiếp, hay trở thành nhà phân phối sỉ, lẻ, không chỉ một mà nhiều sản phẩm khác nhau.
"Thông qua một nền tảng công nghệ đồng nhất, nhà sản xuất có thể kết nối nhanh chóng với khách hàng, tiêu thụ được sản phẩm trong khi tiết kiệm chi phí marketing, bán hàng, còn người tiêu dùng có thể mua tận gốc mặt hàng với mức giá hợp lý, không phải bỏ phí trung gian, nắm được mức chiết khấu được hiển thị trên hệ thống", ông Phạm Xuân Huy nói về tính ưu việt của mô hình.
Cũng theo sáng lập Vinagroups, nền tảng mà công ty cung cấp giúp "ai cũng có thể khởi sự kinh doanh" online. Người bán hàng có thể tự tạo lập và thiết kế một website bán hàng đơn giản, với mẫu (template) theo từng lĩnh vực chỉ trong vài chục giây. Chỉ với vài thao tác kéo thả, họ có thể lựa chọn sản phẩm từ kho hàng tổng để giới thiệu, bán hàng trên trang riêng này. Ngoài ra người bán hàng, doanh nghiệp cũng được trang bị một nền tảng ERP để xử lý các vấn đề liên quan đến bán hàng offline, các nghiệp vụ kế toán, kho, Pos.. cho hoạt động bán hàng offline và quản trị nội bộ.
Hiện kho hàng của Vinagroups có hơn 1.000 sản phẩm khác nhau, với... nhà sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực như thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm, dịch vụ.
Dùng công nghệ để kết nối con người
Vinagroups định hướng tạo lập một cộng đồng kinh doanh, không phân biệt địa lý, ngành hàng. Từ cùng một platform, người bán và người mua có thể gặp nhau , trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn từ online tới offline. Theo đại diện Vinagroups, công nghệ sẽ là đầu tàu kết nối, sau đó mới đến yếu tố con người.
Không chỉ cung cấp công cụ là nền tảng công nghệ, Vinagroups còn có đội ngũ các chuyên gia, tư vấn hỗ trợ vốn, xây dựng kế hoạch truyền thông, cung cấp nguồn dữ liệu khách hàng để các bên tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Hệ thống không chỉ giúp tiếp cận nguồn hàng, khách hàng mà còn tích hợp các chức năng quản lý kho hàng, đơn hàng hiệu quả.
Sau hơn 15 năm hoạt động, Vinagroups đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thêm các đơn vị thành viên với các lĩnh vực kinh doanh đa dạng, từ thời trang, ẩm thực, bất động sản, vật liệu xây dựng, du lịch, tuyển dụng, đào tạo, mỹ phẩm...
Trong đó, nổi bật có Dstore, mô hình thương mại điện tử phi tập trung hỗ trợ người trẻ kinh doanh khởi nghề với gần 3.000 người bán sỉ, bán lẻ, trên 100 doanh nghiệp kết nối, trang bị các nền tảng platform. Hay Azone - cổng kết nối mặt hàng nội thất và vật liệu xây dựng giữa nhà cung cấp và khách hàng; nền tảng Hotfaces – kênh giới thiệu và kết nối truyền thông với các KOLs, hay công ty môi giới bất động sản Keller Williams Việt Nam...
Nhiều startup hình thành trong doanh nghiệp như VinaTravels (cung cấp tour du lịch), VinaBags (sàn thương mại điện tử về túi balo), VinaFoods (cung cấp sản phẩm sạch, đặc sản 3 miền), VinaJobs (xây dựng profile thương hiệu cá nhân)...
Ngày 9/1 vừa qua, Vinagroups ra mắt hệ sinh thái kinh tế chia sẻ (Sharing Economy Ecosystem - SEE). Kinh tế chia sẻ thường được hiểu là mô hình kết nối kinh doanh trong thời đại số. Dưới hình thức mạng ngang hàng, các cá nhân ẩn danh có thể chia sẻ tài sản, tài nguyên nhàn rỗi cho các cá nhân khác thông qua Internet. Hiện thân của mô hình kinh tế chia sẻ có thể kể đến nhiều nền tảng mà sự xuất hiện đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống như Grab, Uber, Airbnb...
Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn Boston, quy mô nền kinh tế chia sẻ ước tính tăng lên 335 tỷ USD năm 2025, chỉ riêng với hai dịch vụ của Uber và AirBnB. PwC cũng ước tính, 10 năm tới, 5 lĩnh vực kinh tế chia sẻ chính sẽ tạo ra hơn 50% doanh thu cho các công ty cung cấp nền tảng này, gồm vay ngang hàng, việc làm, du lịch khách sản, vận tải, video...
Phong Vân