Vụ trưởng Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng cho biết, phương án cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm Mobile Money đã được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng hôm 4/4. Sau một tháng, Thủ tướng đã trả về, yêu cầu xin ý kiến các bộ và đang được Ngân hàng Nhà nước tiến hành.
Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động... và những dịch vụ tương tự.
Theo đó, người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước...), chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người).
Đối tượng triển khai Mobile Money là các công ty viễn thông đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán. Như vậy, sau khi được Chính phủ đồng ý, 2 trên 3 đơn vị viễn thông lớn là Vinaphone và Viettel có thể tham gia ngay. Ông tiết lộ, Mobifone cũng đang trong quá trình xin cấp phép trung gian thanh toán.
Ông Dũng nói thêm, hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money là 10 triệu đồng (hơn 400 USD) một tháng, trong khi ở các nước khác trung bình khoảng 206 USD một tháng. "Hạn mức bước đầu như vậy, sau sẽ điều chỉnh phù hợp cho thị trường phát triển", ông Dũng nói tại hội thảo "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện" hôm 23/5.
Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Mobile Money bản chất là eMoney, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. "Nếu tách ra, định nghĩa ví điện tử – một tài khoản định danh điện tử lưu trữ giá trị số tiền khách hàng nạp vào tương ứng với tỉ lệ 1:1, nạp bằng cách nào chúng ta không biết thì nó là Mobile Money", ông cho hay.
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất của hai loại hình này là phần định danh khách hàng (KYC - Know your customer). Với ví điện tử, KYC do ngân hàng làm. Còn với Mobile Money, các công ty cung cấp dịch vụ phải tự làm. Như vậy, thách thức với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xách, phải làm xác thực như ngân hàng, tránh mạo danh...
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ. Theo đó, số tiền công ty viễn thông nhận của khách phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Ông Dũng ví dụ, 100 đồng nạp vào qua đại lý là khách hàng có 100 đồng trong ví, không phải có chuyện nạp 90 đồng lại được 100 đồng trong ví. "Chúng ta không bao giờ được làm, như thế là phát hành tiền, dùng đòn bẩy kinh tế. Luôn phải tuân thủ tỷ lệ 1:1", Vụ trưởng khẳng định.
Quyền lợi của khách hàng khi sử dụng Mobile Money cũng phải được đảm bảo. Ở một số quốc gia, tiền của khách hàng được dùng vào nhiều việc, đảm bảo bằng nhiều phương thức như gửi ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro thấp.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định, tổng số dư của Mobile Money phải tương ứng với số dư công ty ví ấy gửi đảm bảo tại ngân hàng và chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo ấy cho mục đích sử dụng ví. Công ty Mobile Money có thể thua lỗ, phá sản, tiền khách hàng nạp vào ví vẫn được đảm bảo ở ngân hàng.
Ông Dũng cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất với thanh toán tại Việt Nam là hành vi thói quen. "Mobile Money sẽ là một kênh giáo dục tài chính. Nhờ nó, người dân có thể biết sử dụng dịch vụ tài chính, gián tiếp giúp họ hiểu và nhanh chóng sử dụng, thúc đẩy dịch vụ ngân hàng. Nó làm cho miếng bánh lớn lên, không ảnh hưởng tới bên nào", Vụ trưởng Thanh toán nhận định.
Nhận định này rất giống với quan điểm của Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Hùng cho rằng, ngân hàng cũng không phải quá lo lắng vì Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng sau này cho ngân hàng. Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cũng tin tưởng, Mobile Money đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Anh Tú